Hoạt động của ngành

“Nhu cầu và xu hướng mới trong phát triển du lịch”

Cập nhật: 01/06/2017 09:27:00
Số lần đọc: 1334
(TITC) – Đây là chủ đề chính của hội thảo do Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Tổng cục Du lịch) tổ chức vào ngày 31/5/2017 tại Hà Nội.

Toàn cảnh hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho biết năm 2016 đã có trên 1,2 tỷ lượt khách du lịch quốc tế trên toàn cầu. Dự báo trong năm 2017, du lịch thế giới tiếp tục tăng trưởng, trong đó khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ vẫn là điểm đến hấp dẫn, được nhiều du khách lựa chọn. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế các quốc gia trong khu vực, là cơ hội lớn trong phát triển du lịch.

Đồng thời, ông Tuấn nhấn mạnh trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhu cầu của khách du lịch cũng ngày càng đa dạng hơn, du lịch cần có sự thay đổi để thích nghi với những xu hướng mới này. Do vậy, hội thảo này được tổ chức nhằm tạo ra một diễn đàn mở cho các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp trao đổi thông tin, phân tích, cập nhật các nhu cầu, xu hướng du lịch mới, đồng thời cùng đưa ra những sáng kiến, ý tưởng mới cho phát triển du lịch.

 Ông Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch phát biểu khai mạc hội thảo

Theo bà Đỗ Thanh Hoa – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, du lịch tiếp tục là một trong những ngành có đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế, xã hội đất nước. Năm 2016, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 10 triệu lượt, tăng trưởng 26%/năm so với năm 2015; khách nội địa đạt 62 triệu lượt; đóng góp trực tiếp của du lịch ước đạt 6,8% GDP.

Ngày 16/1/2017, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đặt tiền đề cho sự phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới. Cùng với đó, Luật Du lịch (sửa đổi) dự kiến sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ III, Quốc hội khóa XIV. Việt Nam cũng đã xây dựng những chính sách thu hút khách quốc tế ở các thị trường trọng điểm, trong đó có chính sách miễn thị thực cho công dân 5 nước Tây Âu và cấp thị thực điện tử cho công dân từ 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Những điều này đã tạo hành lang pháp lý thông thoáng để du lịch có điều kiện phát triển mạnh hơn trong thời gian tới.

Đặc biệt để hội nhập và phát triển trong xu thế phát triển khoa học công nghệ thế giới với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0), cần nhanh chóng phát triển du lịch thông minh theo hướng số hóa với hỗ trợ của công nghệ, để cung cấp những dịch vụ tốt và thuận tiện nhất cho khách du lịch.

Bà Đỗ Thanh Hoa cho rằng để thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới, cần tập trung vào việc hoàn thiện thể chế, chính sách; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất cao cấp; phát triển sản phẩm du lịch xanh, du lịch thân thiện môi trường; tạo môi trường thông thoáng cho các doanh nghiệp du lịch; có chính sách miễn thị thực dài hạn cho các thị trường trọng điểm; đẩy mạnh quản lý chất lượng dịch vụ du lịch; tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, đặc biệt tại các thị trường trọng điểm có nhiều chuyến bay tới Việt Nam.

Ông Nguyễn Thế Trung - Tổng giám đốc Công ty CP công nghệ DTT trình bày tham luận "Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và những thay đổi trong kinh doanh du lịch”

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe tham luận về các chủ đề “Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và những thay đổi trong kinh doanh du lịch”, “Marketing số trong du lịch”, “Đổi mới trong xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch”, “Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao đáp ứng nhu cầu và xu hướng các loại hình du lịch mới”... Các tham luận đã cung cấp thông tin cho đại biểu về tình hình phát triển công nghệ thông tin trên thế giới, các điển hình trong khu vực và trên thế giới áp dụng hiệu quả công nghệ số trong xúc tiến du lịch, nâng cao thương hiệu điểm đến thông qua những ứng dụng kỹ thuật số...

Đánh giá cao ý nghĩa của buổi hội thảo, các đại biểu cho rằng trong bối cảnh phát triển kỹ thuật số hiện đại như hiện nay, cần chú ý tới vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Để thu hút được khách du lịch, các doanh nghiệp cần cập nhật các xu hướng, tự nâng cao năng lực, đổi mới để phát triển với việc ứng dụng các công nghệ số mới, xây dựng nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn...

Các đại biểu cũng đề xuất một số vấn đề như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động marketing; tạo môi trường du lịch an toàn, thân thiện; nhân rộng các mô hình du lịch hoạt động hiệu quả; quảng bá du lịch Việt Nam thông qua các kênh truyền thông lớn...

Tin, ảnh: Thu Thủy


Nguồn: TITC

Cùng chuyên mục