Non nước Việt Nam

Văn hóa ứng xử trong bữa ăn của người Tày

Cập nhật: 06/01/2009 10:01:14
Số lần đọc: 2199
Ăn uống là một phần quan trọng trong các dân tộc, các hoạt động sinh tồn của loài người, ngoài việc nuôi dưỡng con người, nó còn gắn liền với các hoạt động văn hoá. Mỗi dân tộc, mỗi địa phương đều có những tập quán ăn uống riêng. Với người Tày tập quán ăn uống của họ mang đặc tính của cư dân vựng thung lũng và phản ánh đặc trưng văn hoá tộc người, nhất là khía cạnh ứng xử gia đình trong ăn uống.

Trong bữa ăn hàng ngày của người Tày thì mâm cơm thường để ở chính giữa nhà, phía trên của bếp sinh hoạt. Về mùa hè, họ thường để mâm ăn ngay khu vực tiếp khách, cạnh cửa sổ chính. Gia đình truyền thống của người Tày thường có 6 đến 7 người, gồm có 3 thế hệ (ông bà, bố mẹ, con cái). Nếu ông bà còn khoẻ, có thể cùng ngồi ăn chung với gia đình thì người ta sắp đặt vị trí ngồi ăn theo thứ tự từ ông - bà; Cha - mẹ; Con cái, tính từ phía cửa sổ trở xuống. Nồi cơm đặt phía dưới (hướng bếp). Mâm cơm làm bằng gỗ hình tròn, trong mâm bày các bát, đĩa thức ăn dùng chung; giữa mâm để bát nước chấm hoặc một đĩa muối ớt. Một số gia đình để lọ ớt muối ngâmmột bát ớt nhỏ giành cho người cao tuổi thích ăn cay. Người Tày ăn cơm bằng đũa, bát ăn cơm riêng và thìa ăn canh riêng. Cơm để trong nồi, xới bằng một đôi đũa cả (đảm). Những người ngồi quanh nồi thường là người phụ nữ hoặc con gái để làm nhiệm vụ xới cơm hoặc thêm canh rau. Đó được coi là trách nhiệm vất vả nhất trong bữa ăn mà người phụ nữ, người nội trợ vẫn phải đảm nhiệm.

 

Trong đời sống thường ngày do cuộc sống có nhiều vất vả mà họ đã rút ra được những câu tục ngữ như các cư dân, cộng đồng khác. Người Tày có câu: Xẩu quan khỏ, xẩu mở miền (Gần quan thì khó nhọc, cạnh nồi thịt thì nhọ nhem), có ý nghĩa so sánh giữa công việc phục vụ quan lại với việc bếp núc, phục vụ bữa ăn. Nếu trong nhà có người già yếu thì chủ nhà bố trí cho ngồi ăn riêng ở cạnh bếp hoặc tại nơi nằm nghỉ hàng ngày. Những người già và trẻ đều có thể ngồi ăn uống một cách bình đẳng, không phân biệt vị trí và nhiệm vụ.

 

Nhưng nếu trong một gia đình mới cưới con dâu, cháu dâu thì họ tự nhận thức trách nhiệm của mình trong bữa ăn để thể hiện là dâu hiền chứ không có quy định bắt buộc. Tuy nhiên, những nề nếp gia phong theo lối sống Nho giáo từ xưa kia đã thấm sâu vào ý thức của nhiều gia đình, nhất là những gia đình trung lưu, phú quý hoặc gia giáo. Vì thế mỗi thành viên trong gia đình tự ý thức được bổn phận cũng như trách nhiệm của mình trong cuộc sống hàng ngày. Đặc biệt, gia đình người Tày, trước bữa cơm, họ có ý thức chờ đợi nhau, ít khi ăn trước nếu còn thiếu người. Câu tục ngữ: "thíp tua mạ thả ăn an" (mười con ngựa chờ đợi một cái yên) hàm nghĩa là đã ngồi quanh mâm thì mười người, còn thiếu một người thì ăn phải chờ đợi. Điều đó nói lên tính cộng đồng, cộng cảm trong ăn uống của đồng bào.

 

Đối với người Tày ở đây, ứng xử trong ăn uống của mỗi gia đình còn là ý thức về sự nhường nhịn. Họ luôn dành sự ưu tiên cho người cao tuổi, trẻ nhỏ, người ốm đau, phụ nữ đang ở cữ hay có mang. Những đối tượng trên được gia đình dành riêng khẩu phần tốt hơn như nấu cơm riêng, thức ăn riêng. Còn đối với người cao tuổi thì được ăn thức ăn mềm, ít lượng chất bổ. Người Tày có tục ngữ: "Cầu ké kin khẩu khao, lục slau kin khẩu xáo, lục báo kin khẩu  pay" (người già ăn gạo trắng, con gái ăn gạo giã dối, con trai ăn xay) để nói lên một đạo lý là giành phần ngon cho người già. Nếu là ngày bình thường, khi công việc còn bề bộn, bữa ăn còn đạm bạc thì người ta thường ăn một cách qua quýt cho xong, nhất là đàn ông khi công việc nào đó còn đang dở dang. Những lúc như vậy, tính cộng cảm càng lớn lao: Người vợ, người con thường nhường phần cho người chồng, người cha. Họ chăm lo cho miếng ăn, giấc ngủ của chủ nhà bởi đó là trụ cột mọi mặt của gia đình. Với người đàn ông, họ thường "có gì ăn nấy", "không còn gạo thì ăn khoai, ăn sắn", "hết canh rau thì ăn măng chua, ăn mẻ", còn đàn bà thì hầu như đảm nhận lo toan cái ăn hàng ngày như là một phận sự. Vì thế vai trò của người phụ nữ trong gia đình rất quan trọng, bởi họ trực tiếp lo toan cái ăn hàng ngày.

 

Trong ăn uống của gia đình, người Tày cũng có những kiêng kỵ, chẳng hạn: Người đẻ kiêng kỵ các loại thịt trâu, bò, ngựa, cá không vảy, cá chép có ria và các loại thịt thú rừng. Trẻ em kiêng ăn quả cật gà (mác lừm) vì họ cho rằng ăn quả cật sẽ dốt nát, hay quên; kiêng ăn chân gà vì nếu ăn vào thì viết chữ sẽ xấu như gà bới; kiêng ăn móng vì nếu ăn thì không đi qua cầu được; kiêng chan canh ốc vì sợ tròn như con ốc. Trẻ em và phụ nữ không nói chuyện khi ăn vì sợ mất vệ sinh và không ý tứ. Trong bữa cơm thường ngày của gia đình người Tày thì khi sới cơm xong thì phải được đậy vung để giữ cơm nóng. Đôi đũa cả để trong nồi, quay ra phía sau tuyệt đối không được quay vào mâm hay quay vào phía người đang ngồi ăn vì như thế sẽ làm cho người ăn bị ngẹn hay đau bụng. Khi ăn, không ai được gõ đũa hay gõ đũa cả vì như thế là gọi ma….

 

Mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa ứng xử riêng trong bữa ăn gia đình, là một phong tục tập quán tốt đẹp cần bảo tồn và phát huy những giá trị đó, như Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) BCH Trung ương Đảng đã chỉ rõ: “Giữ gìn và phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Nguồn: Vietbao

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT