Vẻ đẹp và ấn tượng Sa Pa giữa núi rừng Tây Bắc
Có người nói rằng, Sa Pa là “hình ảnh Đà Lạt” thu nhỏ ở miền Bắc. Điều đó đúng, nhưng chưa đủ. Vì dáng vẻ trầm mặc, uy nghi pha chút lãng mạn, thơ mộng của cảnh sắc Sa Pa ít nơi nào sánh kịp. Sa Pa nằm ở độ cao từ 1.500 đến 1.800 mét so với mặt nước biển. Mang khí hậu á ôn đới và cận nhiệt đới, Sa Pa quanh năm mát mẻ với nhiệt độ trung bình năm từ 15 đến 190C. Thời tiết trong ngày ở Sa Pa có cả bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Buổi sáng, sương bay nhè nhẹ, bồng bềnh trên những ngọn núi nhấp nhô, thỉnh thoảng có những hạt sương rơi lay phay cho ta cảm giác đang sống trong mùa xuân. Giữa trưa, trời quang mây, những giọt nắng vàng chiếu xuống, không gian trở nên ấm áp như khí hậu của những ngày hè nắng nhạt. Chiều về, thời tiết se se lạnh, bầu trời trong xanh không khác mấy quang cảnh mùa thu mà ta vẫn thường bắt gặp đâu đó. Đêm xuống, nhiệt độ hạ dần, sương mỗi lúc rơi dày đặc như không khí mùa đông đang đến gần. Nếu những ngày hè nóng nực, Sa Pa là nơi nghỉ mát lý tưởng thì đến mùa đông giá rét, du khách lên đây có thể ngắm cảnh tuyết rơi trên những ngọn cây, cành lá vì có lúc nhiệt độ nơi này xuống tới 0 độ C. Ở trung tâm thị trấn có hơn 200 ngôi nhà mang dáng vẻ kiến trúc biệt thự phương Tây nằm xen giữa những vườn đào và những rặng sa-mu đã biến Sa Pa như một “thành phố châu Âu” trên núi rừng Tây Bắc.
Cách Sa Pa không xa là có dãy núi Hoàng Liên Sơn trùng trùng điệp điệp, nơi có đỉnh Phan-xi-păng cao 3.143 mét được ví như “nóc nhà” của Đông Dương với nhiều loài động, thực vật và lan rừng quý hiếm. Sa Pa còn có nhiều cảnh đẹp, đó là thác Bạc cao khoảng 200m như một dải mây trắng nổi bật giữa ngút ngàn xanh thẳm; đó là cổng Trời-nơi cao nhất mà đường bộ có thể đi tới để ngắm cảnh Phan-xi-păng, rừng Trúc, động Tả Phìn và bãi đá cổ Sa Pa nằm trong thung lũng Mường Hoa. Do có khí hậu mát mẻ và trong lành, nên thổ nhưỡng Sa Pa rất thích hợp để trồng những loại rau ôn đới như bắp cải, su hào, su su, cây dược liệu quý và các cây ăn quả như đào, lê, mận... Ai đã một lần ăn ngọn, quả su su hay quả mận tam hoa, mận đào ở Sa Pa khó mà quên loại hoa quả mang hương vị ngọt ngào, thơm mát chỉ có ở vùng đất này.
Với tôi, hình ảnh Sa Pa còn đậm đà tình nghĩa bởi vào tối thứ bảy nơi đây có những chàng trai cô gái người Mông gặp gỡ, trao duyên không phải bằng lời nói, mà bằng âm thanh du dương của tiếng khèn, tiếng sáo hay giai điệu dìu dặt của tiếng đàn môi, khèn lá. “Sa Pa-thành phố trong sương”, lời ca ngân nga còn đọng lại trong lòng tôi một nỗi vấn vương về mảnh đất đầy chất thơ và nhạc giữa núi rừng Tây Bắc hoang sơ và hùng vĩ.