Hành trang lữ khách

Lào Cai – điểm đến hấp dẫn của du khách

Cập nhật: 08/01/2009 14:01:31
Số lần đọc: 2118
Nổi tiếng là địa phương giàu tiềm năng về du lịch, đã từ lâu Lào Cai được biết đến không chỉ những địa danh có cảnh quan thiên nhiên đẹp mà còn hấp dẫn du khách bởi những nét văn hoá dân tộc độc đáo vùng cao.

Các điểm du lịch nổi tiếng như Sa Pa, Bắc Hà, Mường Khương… đều rất thích hợp cho việc tổ chức các tour du lịch đi bộ, leo núi. Đặc biệt là loại hình du lịch cộng đồng khám phá vẻ đẹp văn hoá bản làng của đồng bào các dân tộc và những phiên chợ đặc sắc dưới chân núi đã trở nên thân quen với du khách mọi miền.

 

Nét đẹp văn hoá bản làng

 

Bản làng là nơi quần cư của các tộc người thiểu số Mông, Dao, Hà Nhì, Tu Dí, Pa Dí, Tày, Nùng… Ở đó, có những nét đẹp trong phong tục văn hoá, trong kiến trúc nhà cửa cũng như phong cảnh thiên nhiên.

 

Đến với Lào Cai, hình ảnh dễ lưu lại trong ký ức của du khách là các bản làng với những ngôi nhà trình tường đất giống như những cây nấm khổng lồ ẩn hiện trong sương mù của vùng cao Ý Tý, hay những bản làng của người Mông vùng cao Bắc Hà, Si Ma Cai. Cũng là lối trình tường đất nhưng mỗi tộc người lại có những kiến trúc độc đáo khác nhau, mang bản sắc cũng như quan niệm riêng của dân tộc mình. Lên thăm các bản làng vắt vẻo nằm tít trên cao đỉnh núi, nơi cứ ngỡ "với tay là chạm tới trời xanh" ấy, có những con người quanh năm vẫn bám trụ sinh sống và gìn giữ những bản sắc riêng của dân tộc mình. Những lễ hội cầu mùa, hội hát qua làng, lễ hội xuống đồng đầu năm mới… tất cả đều là sự hội tụ những tinh hoa, cốt cách của người vùng cao, làm nên bản sắc riêng với những giá trị văn hoá độc đáo. Mỗi bản làng có những hương ước, quy ước riêng, nhưng tựu chung lại đều là những nét đẹp trong các nghi lễ văn hoá cũng như tín ngưỡng của mỗi thành phần dân tộc. Điển hình như các phong tục bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng cấm, lễ hội rước nước, lễ cấp sắc cho con trai đến tuổi trưởng thành, hay nghi lễ nhận bố mẹ nuôi… Nếu lên vùng cao vào đúng mùa lễ hội, du khách sẽ được khám phá những phong tục độc đáo, đặc sắc như thế.

 

Không chỉ có vậy, vài năm trở lại đây, những bản làng văn hoá còn được đưa vào gìn giữ và khai thác phục vụ hoạt động du lịch. Những tua du lịch "Khám phá nét đẹp văn hoá bản làng" đã trở nên hấp dẫn đối với các Công ty lữ hành. Với hình thức "trackking tour" du khách vừa tản bộ, vừa khám phá cảnh sắc thiên nhiên, đắm mình trong những nét văn hoá độc đáo của mỗi dân tộc và cuộc sống sinh hoạt, lao động sản xuất thường nhật rất bình dị của họ. Bên những ngôi nhà trình tường đất của đồng bào Hà Nhì, Mông, Nùng nơi vùng cao hay những nếp nhà sàn của người Tày ở Văn Bàn, Bảo Yên là những vườn rau nhỏ, chiếc lu chứa nước và chiếc sào phơi váy áo thổ cẩm rực rỡ như điểm tô thêm nét văn hoá rất đời thường mà gần gũi… Tiếp nữa, khi vào thăm những bản làng làm nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, nấu rượu ngô, rượu thóc, rèn đúc nông cụ, chạm khắc bạc làm đồ trang sức… sẽ thấy người dân vùng cao rất cần mẫn trong lao động, sáng tạo ra những sản phẩm độc đáo từ chính bàn tay lao động mà không cần đến những phương tiện khoa học kỹ thuật hiện đại nào hỗ trợ. Đặc biệt, dừng chân bất cứ nơi nào, du khách đều có cơ hội được thưởng thức những món ẩm thực dân dã mang đậm hương vị của vùng cao để rồi không muốn rời chân và cứ muốn lưu lại mãi nơi đây, muốn đi tận cùng để khám phá hết những bí ẩn hấp dẫn trong nét văn hoá của bản làng ở Lào Cai. Thế nhưng càng khám phá càng nhận ra cái mênh mông vô tận của văn hoá bản làng vùng cao, chả thế mà đã có bao nhiêu nhà nghiên cứu, sưu tầm đã mê say miệt mài bao nhiêu năm nay mà vẫn tìm ra được những điều mới lạ, cuốn hút đến không thể phủ nhận.

 

Đặc sắc phiên chợ vùng cao

 

Nhắc đến Lào Cai, du khách nào dù ít nhất một lần đến sẽ không quên được "thương hiệu" du lịch nổi tiếng là chợ phiên vùng cao.  Những phiên chợ nơi đây không chỉ đơn thuần là nơi mua bán trao đổi hàng hoá mà còn thể hiện rõ nét nhất những nét văn hoá đặc sắc của đồng bào, từ những sản vật ẩm thực độc đáo, món ăn, trang phục, tục lệ truyền thống đến việc giao lưu văn hoá, hát múa, thổi sáo, thổi khèn… Đặc biệt hơn, chợ còn là điểm vui chơi giải trí cho mọi người, mọi lứa tuổi, cho những chàng trai cô gái Mông, Dao đến tuổi cập kê làm nơi hò hẹn, gặp gỡ kết bạn. Vùng nào cũng có chợ, gắn với nét văn hoá của mỗi dân tộc nhưng đều có chung một điểm là hoang sơ như chính thiên nhiên và con người bản địa, rất dễ làm say lòng du khách ghé thăm. Tiêu biểu các phiên chợ vùng cao này chính là chợ tình ở Sa Pa, chợ văn hoá, chợ Cốc Ly ở Bắc Hà, chợ trâu Cán Cấu, chợ ngựa ở Bắc Hà, Si Ma Cai…

 

Luôn là mong muốn phải tìm hiểu, khám phá của mỗi du khách khi đến với Sa Pa, chợ tình Sa Pa hấp dẫn ngay từ chính cái tên gọi đầy chất lãng mạn, tình yêu. Không hề có cảnh mua bán trao đổi hàng hoá như hoạt động chủ yếu của các phiên chợ mà chợ tình Sa Pa chỉ là nơi vui chơi của đồng bào người Dao, Mông, nhiều nhất là các cô gái và chàng trai đến để hẹn hò, thổ lộ tình cảm tìm kiếm bạn tình duyên được gửi gắm qua những ánh mắt, điệu khèn, tiếng sáo du dương… Điều đặc biệt ở đây là cả những người đã có gia đình nhưng vẫn đến để vui chơi, gặp mặt, tìm lại bạn cũ, người xưa... Mặc dù mỗi tuần chợ chỉ diễn ra một lần vào tối thứ bảy nhưng ngay từ buổi chiều, thậm chí buổi sáng hôm đó, ở dưới phố và sân nhà thờ Sa Pa, đã có rất nhiều thiếu nữ mặc trang phục thêu hoa văn lộng lẫy, đầu quấn khăn đỏ tươi đính kèm những vòng bạc, khuy bạc và những chùm lục lạc xinh xắn tạo nên những tiếng nhạc vui tươi hấp dẫn.  Để rồi ngay từ chập tối cho đến đêm khuya, chợ đã ngập tràn không gian lãng mạn của điệu khèn, tiếng kèn lá, kèn môi du dương đằm thắm. Mang nhiều nét chung của các phiên chợ vùng cao nhất vẫn là chợ văn hoá Bắc Hà. Diễn ra vào ngày nghỉ cuối tuần, chợ văn hoá Bắc Hà là nơi tụ họp của đồng bào Mông vùng cao Bắc Hà và các khu vực lân cận nên rất đông vui nhộn nhịp, là điểm đến hấp dẫn của rất nhiều du khách nước ngoài. Hàng hoá trao đổi mua bán ở chợ cũng rất phong phú, ngoài các loại nhu yếu phẩm phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày, chợ còn có các sản vât mang đậm hương sắc vùng cao. Đó là những váy áo, sản phẩm thổ cẩm được thêu thùa rất kỳ công, khéo léo, những con lợn cắp nắch, gà leo đồi, ngựa thồ, trâu kéo và những món ẩm thực độc đáo như: phởã chua, mèn mén, bánh trưng đen, lạp sườn, thịt hun khói, sôi bảy mầu và món rượu ngô Bản Phố. 

 

Không giống như chợ Bắc Hà hay Cán Cấu (Si Ma Cai), chợ Cốc Ly của đồng bào Mông Hoa và người Tày chỉ họp vào thứ ba hàng tuần. Chợ cũng là điểm dừng chân cuối cùng của du khách trong chuyến hành trình bằng du thuyền khám phá sông Chảy ở Bắc Hà. Đây là chợ duy nhất dùng hàng để đổi hàng, có thể không cần dùng đến tiền, có khi là đổi gà lấy ngựa, đổi thóc gạo lấy chó, mèo hoặc đổi các sản vật nông nghiệp lấy giống lúa nương, lấy con trâu, con ngựa thồ để phục vụ đời sống gia đình và phục vụ sản xuất nông nghiệp. Cái thú nữa là khách du lịch có thể mua hàng thổ cẩm và các sản phẩm địa phương như vòng nhẫn, lắc bạc xinh xắn của các cô gái người Mông về làm quà cho người thân và nghe họ hát mà không phải trả tiển. Đến đây, sau chuyến hành trình, du khách sẽ được thưởng thức những ly rượu nồng say được chưng cất từ hương rừng để rồi chuếnh choáng mơ tưởng đến sóng nước vùng sơn cước và những con thuyền hoa cổ tích đỏ rực trong huyền thoại.

 

Hấp dẫn du lịch leo núi, đua ngựa

 

Bên cạnh những loại hình du lịch nghỉ dưỡng, khám phá bản làng văn hoá của các dân tộc thiểu số, những phong cảnh thiên nhiên cũng như những nét độc đáo trong văn hoá ẩm thực, đến Lào Cai du khách còn được tham gia tour du lịch mạo hiểm leo núi. 2 năm trở lại đây, trong hành trình “Du lịch về cội nguồn” đã có thêm tour du lịch Chinh phục đỉnh Phan Xi Păng và khám phá thiên nhiên độc đáo Vườn quốc gia Hoàng Liên (Sa Pa). Tại thị trấn Bắc Hà, có điểm du lịch leo núi ba mẹ con và giải đua ngựa của đồng bào Mông.

 

Được ví như "Nóc nhà Đông Dương" đỉnh Phan Xi Păng không chỉ là niềm ao ước chinh phục của các nhà leo núi chuyên nghiệp, các vận động viên thể thao mà còn là điểm khám phá hấp dẫn và vô cùng độc đáo của du khách khi đến Sa Pa nói riêng và Lào Cai nói chung. Trong chặng đường chinh phục đỉnh Phan Xi Păng, du khách sẽ lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh, ngợp dưới trời hoa đỗ quyên, rừng Vân Sam cổ thụ, khám phá vẻ đẹp của thác Vàng, thác Tình yêu, của bạt ngàn rừng trúc phất trần. Ở mỗi độ cao, du khách sẽ được tận hưởng một không gian rất riêng với những cảm giác kỳ thú, hứng khởi, thậm chí cả sợ hãi mà hiếm có loại hình du lịch nào có được. Nơi đây, có nhiều loại hoa, loài cây mang tính đặc hữu chỉ có ở Sa Pa. Theo cảm tưởng của rất nhiều người đã từng leo lên Phan Xi Păng, thì trong niềm khát khao chinh phục, có những lúc tưởng chừng như không thể leo lên nổi nhưng rồi khi đã ở độ cao hơn, thì lại thấy phải chiến thắng bản thân mình để tiếp tục có cơ hội được thưởng thức cái cảm giác tuyệt vời hơn bao giờ hết, mà không phải ai cũng đủ sức để làm được. Trong 5 năm trở lại đây, rất nhiều du khách đến nghỉ dưỡng ở Sa Pa, đặc biệt là đối với du khách quốc tế ngoài khám phá du lịch bản làng người Mông, người Dao ở Tả Phìn, Tả Van hay Bản Hồ… đều  không bỏ qua lịch trình khám phá vẻ đẹp quyến rũ của núi rừng Hoàng Liên, nhất là vào mùa Xuân.

 

Cùng với đỉnh núi Phan Xi Păng, ngọn núi huyền thoại "Ba mẹ con" mới đây cũng được đưa vào hành trình khám phá du lịch Bắc Hà. Giữa một thị trấn du lịch nổi tiếng, ngọn núi trở thành điểm nhấn trong cảnh sắc thiên nhiên, tô thêm vẻ hùng vĩ của núi rừng miền sơn cước. Dưới chân núi này, hàng năm đã diễn ra "Tuần văn hoá du lịch Bắc Hà" đã thu hút hàng vạn du khách thập phương đến đây hoà cùng niềm vui trong lễ hội của các dân tộc thiểu số trên cao nguyên hoa mận trắng. Đặc sắc hơn cả, du khách sẽ hoà mình vào không gian náo nức, hò reo của lễ hội đua ngựa với những chàng  kỵ sỹ người Mông.

Nguồn: Báo Lào Cai

Cùng chuyên mục