Non nước Việt Nam

Đàn đá của người Co ở Trà My, Quảng Nam

Cập nhật: 07/01/2009 14:53:20
Số lần đọc: 1860
Người Co nói chung và người Co ở huyện Bắc Trà My nói riêng có một hệ thống các nhạc cụ phong phú, sinh động và giàu sức biểu cảm... Bên cạnh cồng chiêng, còn có các loại nhạc cụ truyền thống như: đàn vơ ró, đàn kađlóc, kèn amáp, sáo tà lía, kèn ra ngoái (kèn môi)..., đặc biệt, loại đàn đá được xem là nhạc cụ cổ xưa nhất của tộc người này.

Cho đến nay, người ta đã phát hiện ra cả chục bộ đàn đá ở nhiều địa bàn khác nhau như đàn đá Khánh Sơn (Khánh Hòa), Bác Ái (Ninh Thuận), Lộc Hòa (Lâm Đồng), đàn đá Ndut Liêng Krăk (Đăk Lăk), đàn đá Đăk Kar (Đăk Nông)... Người Co ở Bắc Trà My  trong quá trình lao động và sản xuất ở ngoài nương rẫy, đã phát hiện ra nhiều loại đá mà khi gõ vào đá phát ra âm thanh nghe rất hay và họ đã nghiên cứu, sáng tạo ra loại nhạc cụ độc đáo này để sử dụng trong lễ hội hoặc sinh hoạt, vui chơi của cộng đồng.

Người Co Bắc Trà My đã tập hợp được 7 loại đá khác nhau, được lấy từ các con sông khe suối... Từ đó, họ đã mày mò sáng chế ra một loại đàn gọi là phau. Ban đầu, những phiến đá được buộc dây, treo cạnh suối nước, có kết nối với một sợi dây dài, gắn với thanh gỗ đặt dưới suối. Khi nước chảy mạnh, các phiến đá chuyển động, va chạm nhau, tạo nên nhiều âm thanh. Đồng bào sử dụng âm thanh này để đuổi các loại chim, thú, bảo vệ nương rẫy, mùa màng.

Theo quan niệm của người Co, đàn đá là vật thiêng liêng và được quý trọng. Thường được họ cất giấu nơi kín đáo; phụ nữ, con gái không được bước qua, nếu không, đàn đá sẽ không còn giữ được những âm thanh kỳ diệu như trước nữa.

Điều thú vị và kỳ diệu nhất là thang âm của những bộ đàn đá tiền sử hoàn toàn tương ứng với thang âm thanh cồng chiêng của các dân tộc Tây Nguyên bây giờ. Từ nhạc đá, qua hàng nghìn năm, người Co vẫn giữ cái hồn của âm thanh mộc mạc của thời tiền sử.

Người Co ở Bắc Trà My ngày nay vẫn biết cách diễn tấu bộ đàn đá cổ xưa của tổ tiên mình. Khi đưa bộ đàn đá về làng, họ đánh đàn đá. Đó là những âm thanh quen thuộc trong các nhiều lễ hội truyền thống tưng bừng của cộng đồng như: Lễ ăn mừng lúa mới (Xa-pa-nưu), Lễ ăn mừng nhà mới (Xa-như-ra-vát), Lễ hội ăn trâu huê (Xa-ố-piêu), Tết mùa (Xa-a-ní)... để cúng và cầu  thần linh, ma tốt (Ka-mút-láep), ông bà, tổ tiên phù hộ cho sản xuất và đời sống của đồng bào... Đó chính là những âm thanh đầu tiên làm nền cho các điệu múa dân gian ka đấu truyền thống. 

Nguồn: website báo Quảng Nam

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT