Gốm Bàu Trúc đang hút khách nhờ có lối đi riêng tiếp cận thị trường
Khách du lịch trải nghiệm khâu nặn gốm
Trước sảnh cửa hàng gốm mỹ nghệ Kiều Lan, thợ gốm đầy kinh nghiệm Sử Thị Phước đang nhẹ nhàng di chuyển quanh một cái bàn chuốt gốm để tạo dáng một sản phẩm mới. Dưới các ngón tay ve vuốt uyển chuyển của chị Phước, khối đất sét màu trắng xám từ từ biến hình thành một chiếc vò nhỏ xinh xắn.
Chị Phước cho biết, loại vò nhỏ này trung bình mỗi ngày chị làm được khoảng 20 chiếc. Sản phẩm này được dùng để gắn lên hòn non bộ trang trí theo kiểu phong thủy. Vài năm nay, ngoài các sản phẩm gia dụng như bình, thạp, nồi thì làng gốm chăm tập trung vào sản xuất sản phẩm gốm phong thủy và gốm trang trí - đây là các mặt hàng được tiêu thụ nhiều trên thị trường.
“Thời điểm Tết năm nào cũng chuẩn bị nhiều hàng để khi khách vào xem, thích cái nào thì chọn mua. Có 50 cái hàng cỡ lớn, 200 đến 300 sản phẩm cỡ nhỏ. Ngoài ra, vừa rồi chúng tôi cũng xuất đi hơn 50 sản phẩm theo đơn đặt hàng. Thấy sản phẩm nào đẹp là khách mua. Trong đó, bình phong thủy là bán chạy nhất, kế đến là bình trang trí hoa”, chị Sử Thị Phước cho biết.
Đất sét làm gốm tại Bàu Trúc lấy tại bãi sông Quao, cách làng 3 km. Một xe bò đất được bà con làng gốm mua với giá 200.000 đồng. Đất lấy về phải trải qua một quá trình lọc, trộn cát và ngâm ủ cho nhuyễn. Việc trộn cát chính là để khi nung sản phẩm gốm không bị nứt vỡ. Khi lấy ra sử dụng, thợ gốm phải nhào nặn hỗn hợp đất và cát đó cho đến khi đất đủ độ kết dính để tạo hình. Nhờ vậy, cách làm gốm ở Bàu Trúc có nét độc đáo riêng, khác với cách làm gốm ở phía Bắc.
Về cách tạo hình sản phẩm, trong khi thợ làm gốm phía Bắc sử dụng bàn xoay, chỉ ngồi một chỗ dùng chân đẩy cho bàn xoay quay tròn, hai tay sử dụng vào việc vuốt đất tạo dáng và chỉnh trang sản phẩm. Còn ở Bàu Trúc, thợ làm gốm lại di chuyển xung quanh bàn nặn gốm để nặn, vuốt và tạo dáng sản phẩm. Một điểm khác lớn nữa giữa gốm Bàu Trúc và gốm phía Bắc là gốm Bàu Trúc không phủ men, trong khi gốm phía Bắc được nhúng một lớp men mỏng trước khi nung.
“Sau khi làm đoạn nắn xong, phải nhắc xuống để cho hơi khô ráo, sau đó nạo cho tròn và chà láng bóng. Sau khi đã xong công đoạn chà láng, tiếp tục vẽ trang trí hoa văn lên sản phẩm. Ngày xưa, các nghệ nhân sử dụng vỏ sò điệp trong biển để vẽ hoa văn, còn hiện nay, do không có điều kiện để tìm kiếm sỏ điệp, người ta mới lấy nắp chai nhựa C2 để tạo hoa văn cho sản phẩm gốm. Làm xong hết lần lượt khoảng chục cái, tiếp tục phơi khô trong nhà khoảng 1 tuần thì lấy ra nung”, bà Trương Thị Gạch, nghệ nhân gốm lâu năm của làng nghề chia sẻ về cách làm sản phẩm giỏ hoa trang trí.
Việc nung sản phẩm ở Bàu Trúc chủ yếu bằng rơm củi, lộ thiên; nay cũng đã có nhiều người sử dụng lò nung. Sản phẩm gốm ở đây có hai màu chủ yếu: màu hồng nhạt (màu gạch non) và màu đen. Màu hồng nhạt là màu nung tự nhiên của sản phẩm, màu đen là do được sơn màu (tiếng chuyên môn địa phương gọi là “xì”) dầu điều (vỏ hạt điều được nấu thành nước). Trước kia thợ gốm sử dụng trái cây rừng như trái dông, trái thị rừng để quét lên lớp da trước khi nung để tạo màu. Màu nào cũng có nét hấp dẫn riêng.
Ngày càng có nhiều khách tham quan, khách hàng tìm đến làng gốm Bàu Trúc. Họ đến để chiêm ngưỡng và được trải nghiệm cách làm gốm ở đây.
Chị Vũ Kiều Oanh, khách du lịch đến từ Lao Cai, cho biết: “Xem thông tin ở trên mạng về làng Bàu Trúc rất hấp dẫn. Mục đích đến đây là xem cách làm gốm của người Chăm, cách làm truyền thống của họ”.
Những ngày này, không khí xuân đã ngập tràn làng gốm. Khách hàng dập dìu lui tới đặt hàng, mua hàng. “Ở đây làm nhiều mẫu mã lạ và khách cũng đặt nhiều. Thời gian gần đây đã có chục đơn hàng, với số lượng từ 100 – 200 cái mỗi ngày. Hiện nay, chúng tôi đang làm theo đợt hàng của 1 Resot ở Cam Ranh, gồm các loại đèn lớn, bình phong thủy, tượng… trên 1.000 cái. Tổng số tiền cho đơn hàng này là trên 1 tỷ đồng”, chị Đàn Thị Trang, nghệ nhân Hợp tác xã Gốm Bàu Trúc cho biết.
Anh Vạn Quan Phú Đoan, một thành viên của Hợp tác xã Gốm Bàu Trúc cho biết, năm nay, Hợp tác xã làm ăn khấm khá, trung bình mỗi tháng trừ chi phí xong còn dư hơn 150 triệu đồng. Lương bình quân xã viên gốm của Hợp tác xã đạt hơn 5 triệu đồng/tháng, chưa kể thưởng tết.
Trong khi một số làng nghề thủ công khác của Ninh Thuận nói riêng, cả nước nói chung gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm thì làng gốm Bàu Trúc đã bước đầu tìm ra lối đi riêng trong việc tiếp cận thị trường và tiêu thụ sản phẩm. Phương châm làng gốm là làm ra những sản phẩm mà xã hội đang cần trên cơ sở cải biên truyền thống. Từ đó, bán được hàng và tăng thu nhập cho bà con. Xuân này, làng gốm Bàu Trúc lại có thêm những sản phẩm làm đẹp cho đời./.