Hoạt động của ngành

Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng Duyên hải Nam Trung Bộ

Cập nhật: 05/03/2018 09:08:31
Số lần đọc: 850
(TITC) – Chiều ngày 01/3/2018, tại trụ sở Tổng cục Du lịch đã diễn ra cuộc họp góp ý cho nhiệm vụ Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng Duyên hải Nam Trung Bộ dưới sự chủ trì của Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn.

Toàn cảnh buổi họp

Tham dự buổi họp có lãnh đạo Tổng cục Du lịch; lãnh đạo, chuyên viên các Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục Du lịch.

Nhiệm vụ xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng Duyên hải Nam Trung Bộ do Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) chủ trì thực hiện, nhằm phát triển sản phẩm mang tính khác biệt, thu hút khách du lịch và chủ động thích ứng với những thay đổi hiện nay, qua đó giúp cho việc hệ thống hóa sản phẩm du lịch trong khu vực một cách chuyên nghiệp; định hướng, cân đối nguồn lực trong phát triển du lịch.

Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ gồm 8 tỉnh, thành: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận với đường bờ biển dài, bãi biển đẹp, khí hậu quanh năm ấm áp, có thể tiếp cận bằng cả đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường biển.

Nhóm nghiên cứu đã phân tích các giá trị tài nguyên đặc sắc điển hình của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ với các giá trị sinh thái biển đảo và văn hóa cư dân vùng biển, các giá trị văn hóa Sa Huỳnh, Chăm pa, hệ sinh thái và các giá trị văn hóa các dân tộc Đông Trường Sơn; phân tích những điều kiện thuận lợi và khó khăn trong phát triển du lịch; tình hình thu hút khách du lịch, điều kiện hạ tầng…

Trên cơ sở đó nhóm nghiên cứu đã đề xuất những sản phẩm du lịch đặc thù chủ đạo của vùng, gồm có: sản phẩm nghỉ dưỡng biển đảo; sản phẩm giải trí và thể thao biển đảo; sản phẩm du lịch di sản và đặc trưng văn hóa khu vực. Cùng với đó là những sản phẩm du lịch bổ trợ như du lịch nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe; du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn, trang trại, cộng động; du lịch đô thị, giải trí; du lịch MICE.

Các sản phẩm này tập trung hướng đến phục vụ các thị trường khách quốc tế Đông Bắc Á, Tây Âu, Đông Nam Á, Bắc Mỹ… và thị trường khách nội địa vùng Tây Nguyên, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh miền Bắc, các khu công nghiệp (Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu)…

Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn phát biểu tại phiên họp

Báo cáo cũng đề ra những giải pháp về thu hút đầu tư, liên kết phát triển sản phẩm du lịch đặc thù trong và ngoài khu vực, xúc tiến quảng bá, phát triển nguồn nhân lực…

Tại cuộc họp, đa số các đại biểu đều cho rằng nhóm nghiên cứu đã đề xuất được những sản phẩm du lịch đặc thù dựa trên thế mạnh và đặc điểm riêng có của vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Đồng thời đề nghị bổ sung thêm một số sản phẩm du lịch đặc thù; chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng và hoạt động bảo vệ cảnh quan và môi trường; tìm giải pháp kết nối sản phẩm du lịch giữa các địa phương trong vùng…

Phát biểu tại buổi họp, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của nhóm nghiên cứu. Theo Tổng cục trưởng, báo cáo cần đề xuất các sản phẩm du lịch khai thác được thế mạnh nổi bật, khác biệt của vùng, trong đó tập trung vào sản phẩm du lịch biển với đường bờ biển dài, đẹp, nước trong và sạch, khai thác được trong cả 4 mùa với lợi thế 3 chiều dưới đáy biển, trên mặt biển và trên bờ thuận lợi phát triển du lịch thể thao. Đây cũng là một vựa cá lớn của cả nước, có thể giúp đẩy mạnh phát triển các loại ẩm thực từ biển. Sản phẩm du lịch văn hóa của vùng là hoàn toàn khác biệt so với các vùng khác với văn hóa Chăm, Tây Sơn, Sa Huỳnh, di sản văn hóa phi vật thể bài chòi. Ngoài ra còn có thể xây dựng và khai thác sản phẩm du lịch lịch sử với các di tích gắn với cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn cũng đề nghị nhóm nghiên cứu cần nhấn mạnh vai trò chủ đạo của doanh nghiệp trong việc đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch, từ đó tìm ra các giải pháp thu hút đầu tư, doanh nghiệp phát triển du lịch ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ.

Tin, ảnh: Thu Thủy

Nguồn: TITC

Cùng chuyên mục