Hải Dương khai hội truyền thống Văn miếu Mao Điền
Đọc Văn tế Đức thánh Khổng Tử, cùng các vị đại khoa (Ảnh: Mạnh Tú - TTXVN)
Tại lễ khai hội, sau phần gióng trống, thỉnh chiêng khai hội và đọc Văn tế Đức Thánh Khổng Tử đã diễn ra lễ dâng hương tưởng niệm công đức của các bậc hiền tài, danh nhân.
Trong khuôn khổ lễ hội còn có các hoạt động như: Giải cờ tướng của Hội Nhà báo tỉnh Hải Dương; trưng bày chuyên đề “Văn miếu Mao Điền xưa và nay"; giới thiệu thân thế, sự nghiệp Đức Thánh Khổng Tử và các vị đại khoa; trưng bày hoa lan; tổ chức hội thi tìm hiểu lịch sử của di tích và các danh nhân; thi viết chữ đẹp; biểu diễn thể dục dưỡng sinh; tổ chức nhiều trò chơi dân gian...
Văn miếu Mao Điền là nơi kế thừa và tiếp nối của Văn miếu trấn Hải Dương xưa. Di tích được khởi dựng vào thời Lê sơ (thế kỷ XV) tại xã Vĩnh Lại, huyện Đường An, nay là xã Vĩnh Tuy, huyện Bình Giang, cùng thời với Văn miếu là trường thi Hương được xây dựng tại xã Mao Điền, tổng Mao Điền (nay thuộc xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng).
Đến thời Tây Sơn (1788-1802), Văn miếu được di chuyển từ Vĩnh Lại về Mao Điền, hợp nhất với trường thi Hương trấn Hải Dương và trở thành nơi đào tạo hàng nghìn cử nhân, tiến sỹ Nho học, đứng vào hàng đầu cả nước. Thời phong kiến, Hải Dương có số tiến sỹ Nho học đứng đầu cả nước ở cấp tỉnh, huyện và xã.
Năm 1992, di tích Văn miếu Mao Điền được xếp hạng là di tích cấp Quốc gia. Năm 2002 di tích được đầu tư, tôn tạo với quy mô lớn, trở thành nơi tôn vinh tài năng, công đức của Đức Thánh Khổng Tử cùng các vị đại khoa tiêu biểu của Việt Nam như: Nhà giáo Chu Văn An; lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi; đại danh y thiền sư Tuệ Tĩnh; Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi; Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm...
Ngày 15/12 /2017, di tích Văn miếu Mao Điền được xếp hạng là di tích cấp quốc gia đặc biệt, xứng tầm là biểu tượng văn hiến của đất và người xứ Đông.
Năm 2017, tại Văn miếu Mao Điền, hệ thống bia tiến sỹ gồm 14 bia cũng đã được khánh thành. Văn bia đề danh 637 tiến sỹ trấn Hải Dương, được dựng trong 2 nhà bia. Mỗi vị tiến sỹ được khắc họ tên, năm sinh, năm đỗ, quê quán (cũ, hiện nay), khoa thi, niên hiệu, tóm tắt sự nghiệp.
Lễ hội truyền thống Văn miếu Mao Điền năm 2018 diễn ra đến ngày 3/4. Được biết, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2018 đã có trên 3 vạn lượt du khách đến dâng hương và tham quan, vãn cảnh tại di tích Văn miếu Mao Điền./.