Non nước Việt Nam

Đặc sắc Liên hoan hát Văn, hát Chầu văn toàn quốc

Cập nhật: 04/04/2018 08:16:00
Số lần đọc: 764
Theo Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Liên hoan hát Văn, hát Chầu văn toàn quốc sẽ diễn ra từ ngày 25 đến 29/4/2018, tại tỉnh Thừa Thiên Huế với sự tham gia của các nghệ nhân, nghệ sỹ, diễn viên thuộc các tỉnh, thành phố có loại hình Hát Văn, Hát Chầu văn.

Đây là hoạt động văn hóa nằm trong khuôn khổ Festivai Huế năm 2018 nhằm tôn vinh, quảng bá và phát huy các giá trị nghệ thuật của loại hình Hát văn, hát Chầu văn; Góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng trong việc bảo tồn, thừa kế, giới thiệu với công chúng và du khách về những giá trị nghệ thuật của loại hình hát Văn, hát Chầu văn trong “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.



Liên hoan có nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu, ca ngợi tinh thần đoàn kết, tình yêu quê hương đất nước, con người và truyền thống dựng xây đất nước; ca ngợi những thành tựu đạt được trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước; Diễn xướng 36 giá đồng thường được các thanh đồng sử dụng hầu thánh tại các đền, miếu, phủ.

Nghi lễ Chầu văn còn được gọi là Hát văn - hầu đồng, Hát văn - hầu Thánh, Bắc ghế hầu đồng, Ngự đồng, Loan giá ngự đồng…, là một nghi lễ quan trọng gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu và thờ Đức Thánh Trần. 

Nghi lễ Chầu văn của người Việt phát triển mạnh ở Nam Định từ thế kỷ  XVII cùng với quá trình hình thành quần thể các di tích trọng điểm ở Nam Định như phủ Dầy (xã Kim Thái, huyện Vụ Bản), phủ Quảng Cung (xã Yên Đồng, huyện Ý Yên), đền Bảo Lộc (xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc), đền Cố Trạch (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định)..., sau đó phát triển ra các vùng lân cận như Hà Nam, Thái Bình và ngày càng lan tỏa ra nhiều vùng trên cả nước.   

Giai đoạn cuối triều Nguyễn (cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX) là thời kỳ thịnh vượng nhất của Nghi lễ Chầu văn của người Việt nói chung, ở Nam Định nói riêng, có sự tham gia của các quan lại địa phương và triều đình. Từ năm 1954 - 1990, vì nhiều lý do, Nghi lễ này không được công khai thực hành và bị mai một nhiều. Từ năm 2000 đến nay, cùng sự phát triển của kinh tế xã hội, với các chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước về văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng, Nghi lễ này được khôi phục, phát triển trở lại và nay còn được sân khấu hoá, trình diễn để phục vụ đời sống đương đại.

Nghi lễ Chầu văn của người Việt là một hình thức biểu đạt văn hóa, tín ngưỡng phức hợp gồm nghi lễ hầu đồng gắn với hát văn hay hát chầu văn, do thủ nhang, thanh đồng (ông/bà đồng), cung văn và một số người hầu dâng (người giúp việc thanh đồng) tiến hành trước các ban thờ ở các đền, điện, phủ, miếu, … gắn với tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu Tứ phủ./.

Nguồn: cinet.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT