Non nước Việt Nam

Lễ cầu mùa của người Dao Thanh Phán (Bình Liêu)

Cập nhật: 05/04/2018 08:03:12
Số lần đọc: 906
Người Dao ở Bình Liêu có dân số chiếm 25,6% của huyện gồm hai nhóm là Dao Thanh Phán và Dao Thanh Y. Người Dao Thanh Phán có nhiều phong tục, tập quán từ lâu đời. Sinh hoạt văn hóa của họ mang tính cộng đồng cao, trong đó phải kể đến lễ cầu mùa – nghi lễ cầu may mắn, mùa màng tốt tươi, cuộc sống no đủ và hạnh phúc.


Mâm cúng thần linh, Ngọc Hoàng gồm có rượu và bánh được gói bằng lá rừng.

Chúng tôi có mặt tại thôn Khe Bốc, xã Tình Húc (Bình Liêu) từ khá sớm để tham dự một lễ cầu mùa của đồng bào Dao Thanh Phán trong bản. Theo tiếng Dao Thanh Phán, lễ cầu mùa được gọi là “Khoi kìm tá chỉu”. Lễ được tổ chức vào tháng giêng hay các tháng trong mùa xuân. Tùy từng điều kiện của mỗi bản, sự đồng thuận của cả dân bản mà mọi người thống nhất để tổ chức lễ cầu mùa. Do vậy, có bản làng hằng năm đều tổ chức nhưng cũng có bản làng thì ba năm mới tổ chức một lần. 

Lễ cầu mùa là nghi lễ chung của cả bản làng, hướng tới lợi ích cho tất cả dân làng. Lễ được tổ chức mang ý nghĩa cầu mùa, cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, ngoài ra còn cầu mong sự bình an cho dân làng, cuộc sống được sung túc, vui vẻ, hạnh phúc. 

Theo các người già trong thôn Khe Bốc, người đóng góp quan trọng cho lễ cầu mùa là già làng có uy tín trong bản,  người Dao Thanh Phán gọi là “Chổng mo”. Để thực hiện lễ cầu mùa, mỗi gia đình trong bản cùng nhau đóng góp của cải để tổ chức, được bàn bạc và thống nhất trong tất cả các thành viên trong bản. Gia đình nào cũng đóng góp như nhau, có thể là góp con gà, con lợn, gạo hoặc tiền... “Chổng mo” sẽ chọn một ngày lành tháng tốt và báo cho tất cả mọi người dân trong bản tập trung tại nhà “Chổng mo”, phân công nhau cùng tổ chức lễ cầu mùa.

Thực hiện một lễ cầu mùa cần phải có 4 thầy cúng, mỗi thầy sẽ được phân công từng công việc cụ thể. Trước tiên, các thầy sẽ làm lễ báo cáo tổ tiên, người Dao Thanh Phán gọi bước này là “Thiết niến chó say”. Đây là bước đầu tiên để thực hiện lễ cầu mùa, “Chổng mo” sẽ đưa cho mỗi thầy 1 chén rượu. Các thầy nhận lễ rồi thực hiện khấn, cầm đũa vung vẩy mang ý nghĩa là báo cáo với tổ tiên giải thích lý do cần phải làm lễ cầu mùa. Lý do đó là trong năm qua, bản làng luôn bị mất mùa, thất thu, sâu bệnh phá hoại, con vật nuôi bệnh tật, thời tiết thất thường dẫn đến dân làng gặp nhiều khó khăn. Với những lý do trên, dân làng thực hiện lễ cầu mùa để mong sự bình an, mùa màng được thuận lợi. 3 thầy nhận 1 chén rượu và uống hết, riêng có 1 thầy thì đặt chén rượu lên trên bàn thờ tổ tiên. 

Thực hiện xong bước khai lễ, báo cáo tổ tiên thì các thầy bắt đầu mặc quần áo của thầy cúng. Trang phục hành lễ là 3 thầy sẽ mặc bộ quần áo dài giống như của người phụ nữ Dao Thanh Phán nhưng họ không mặc quần mà mặc váy dài đen. Còn 1 thầy mặc bộ quần áo cà sa, áo dài chùm, đội mũ. Bày biện không gian hành lễ, các thầy thực hiện mở tranh tam thanh treo theo thứ tự, làm bàn thắp hương ở ngày phía dưới bàn thờ tổ tiên. Người dân trong bản làm cái cuốc, cái xẻng, dao, búa, liềm... bằng gỗ tượng trưng cho nông cụ. Tất cả các thứ đó được đặt ở phía dưới bàn thờ.

Làm lễ cầu mùa là thực hiện đón các thần, Ngọc Hoàng xuống dự lễ, nghe báo cáo nguyện vọng của dân làng. Mọi người sẽ đặt 1 mâm rượu và bánh gói bằng lá cây để dâng các thần linh. Chiếc bánh cúng được làm bằng xôi, cuộn tròn rồi gói vào một loại lá to ở trên rừng, người Dao gọi bánh là “rùa chăng”.

Thầy cúng thực hiện lễ mời Ngọc Hoàng xuống chứng giám và ban phước tốt lành cho năm sau. Ông cầm những tờ giấy được viết bằng chữ nho. Nội dung của bức thư đó chính là trình bày những nguyên nhân, khó khăn của dân làng gửi tới Ngọc Hoàng mong ngài thấu hiểu. Thầy đánh trống thổi kèn và hoá những lá thư đó. 

Làm lễ lập rừng mang ý nghĩa là trồng lại một khu rừng mới với sự sinh sôi nảy nở, cây trồng tươi tốt. Lúc này, ở ngoài sân mọi người mang nhiều cây tre, các loại cây ở trên rừng cắm xuống đất để tượng trưng cho trồng mới khu rừng. Thầy đốt một ngọn đuốc bên cạnh tượng trưng cho mặt trời, có ý nghĩa là thổi ánh sáng, sự sống vào trong rừng. Một khu rừng được trồng mới, có đầy đủ ánh sáng, động vật thực vật sinh sôi nảy nở là ước nguyện của người dân. Kết thúc lễ hội, tiếng Dao gọi là “sung peng”, các thầy sẽ chuẩn bị 1 mâm cúng gồm có bánh gói bằng xôi và rượu. Đây là bữa tiệc cuối cùng mang tấm lòng của dân bản dâng lễ vật cảm ơn và đưa tiễn các các tổ tiên, thần linh và Ngọc Hoàng về trời. 

Sau khi thực hiện phần lễ của các thầy, tất cả những người dân trong bản làng sẽ cùng dùng bữa cơm thân mật với một niềm tin mới, khí thế mới. Qua lễ cầu mùa, tình đoàn kết gắn bó đồng thuận của mỗi thành viên trong bản làng người Dao Thanh Phán lại tăng thêm sự gần gũi và bền chặt hơn./.

Nguồn: Phòng Văn hóa và Thông tin Bình Liêu

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT