Tập tục cưới của dân tộc Dao ở Hà Lâu (Quảng Ninh)
Một đám cưới người Dao ở thôn Khe Lẹ, xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên.
Trong Lễ hội Văn hóa, Thể thao dân tộc Dao xã Hà Lâu lần thứ I - 2018 vừa qua, nhiều người ấn tượng với phần lễ rước dâu của đồng bào dân tộc Dao, khi nó được thể hiện đầy đủ giống như một đám cưới chính thức. Theo nếp cũ các đôi uyên ương người Dao thường tổ chức đám cưới vào dịp cuối năm và đầu năm mới. Để tìm hiểu rõ hơn về đám cưới Dao, tôi được anh Sàn Chi Nàm, Bí thư kiêm Trưởng thôn Khe Lẹ và cũng là một trong những người thường xuyên giữ vai trò ông mối trong các đám cưới người Dao ở thôn Khe Lẹ và ở xã, kể về các thủ tục tiến hành đám cưới người Dao.
Anh Nàm kể: Trước khi tổ chức hôn nhân, đôi trai gái có một thời gian tìm hiểu nhau, thông qua gia đình tiến hành tổ chức 4 nghi lễ, như: Lễ chạm ngõ; lễ hỏi hay còn gọi là lễ đặc quá “tắp pi ấu”; lễ “ăn gánh” hay còn gọi là lễ “làm sách đỏ”; cuối cùng là lễ cưới. Nghi lễ mở đầu lễ cưới nhà trai đặt cho nhà gái 2 đồng xu là tiền cổ làm dấu hiệu thay lời mở đầu câu chuyện. Nếu nhà gái nhận đôi đồng xu ấy thì nhà gái viết họ, tên tuổi của cô gái ấy vào tờ giấy đỏ đưa cho bên nhà trai đưa về “cắp” (so tuổi). Nếu tuổi của đôi nam nữ hợp nhau thì nhà trai sẽ tiến hành lễ hỏi, bên nhà trai sẽ đưa cho bên nhà gái 2 đồng xu cổ làm tín hiệu thông báo tuổi của đôi bên đã hợp nhau, nhưng vẫn phải chờ quyết định của người con gái. Khoảng 1 tháng không thấy cô gái trả lại 2 đồng xu thì nghĩa là cô gái đã đồng ý thì bên nhà trai tiến hành lễ làm sách đỏ.
Qua câu chuyện của anh Nàm, tôi hiểu thêm lễ làm sách đỏ được coi là lễ ban đầu và quyết định công việc cuối cùng tiến tới hôn lễ. Khi đôi bên đã thuận, nhà trai mang một đôi gà đến nhà ông mối để chuẩn bị sắp lễ thường vào lúc chiều tối. Ông mối xem chân gà để chứng kiến hạnh phúc đôi trai gái, rồi ông mối làm sách đỏ giống như hôn thư được cộng đồng phê chuẩn quyết định ngày cưới chính thức. Sau đó hai bên gia đình giao ước quyết định ngày cưới. Lễ cưới là nghi lễ cuối cùng và nhiều nghi thức trang trọng hoan hỉ nhất của toàn bộ cuộc thành hôn. Nghi lễ được tổ chức từ tối hôm trước đến hết ngày hôm sau. Nhà gái và nhà trai cùng thực hiện các nghi thức: Hát đối đáp giữa đoàn đón dâu nhà trai với nhà gái, lễ xe tơ, lễ tiếp nhận lễ vật do nhà trai mang đến, nghi thức đón dâu… Vào ngày này, cô dâu mặc trang phục của dân tộc mình, đó là bộ đẹp nhất và cầu kỳ nhất. Điều quan trọng là bộ trang phục mặc trong ngày cưới phải do chính tay cô dâu tự thêu hoặc do mẹ, chị, cô, dì hay bác ruột của cô dâu thêu cho. Ngoài ra, cô dâu còn có thêm một chiếc khăn thêu độc đáo, một chiếc mũ đội đầu thêu hoa văn có rua bốn bên và chiếc khăn che mặt được thêu bằng những sợi chỉ sặc sỡ. Trang phục chú rể có phần đơn giản hơn đó là chiếc áo nhuộm chàm và chiếc mũ vải thêu hoa văn đơn giản.
Khi nghi lễ đón cô dâu xong, đoàn rước dâu tiến về nhà trai, bên nhà trai đốt đống lửa to ở đầu làng để đón. Trước khi bước vào nhà cô dâu, chú rể phải qua nghi thức “nám man” là bước qua dải dây lưng chắn ở cửa ra vào với dụng ý ngăn chặn những điều xấu theo cô dâu vào nhà. Sau đó cô dâu và chú rể cùng đứng lên chiếc chiếu được ví như chiếc giường hạnh phúc, cũng đồng nghĩa với lễ kết duyên bắt đầu. Nghi lễ này có ý nghĩa quyết định việc cô dâu chính thức kết duyên với chồng mình. Điều tối kỵ trong lễ kết duyên là từ khi bước vào nhà, cô dâu, chú rể tuyệt đối không được nói lời nào. Cô dâu chú rể uống 2 chén rượu do thầy cúng đã làm phép, chứng tỏ họ được kết duyên vợ chồng trăm năm hạnh phúc, sau đó mọi người cùng dọn mâm cỗ ăn uống vui vẻ, chúc cô dâu chú rể trăm năm hạnh phúc, yêu thương lẫn nhau. Khi họ nhà gái về nhà mình, họ nhà trai sẽ cử người hát để chúc họ nhà gái đi về bình an, mong có ngày tái ngộ.
Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, thế nhưng người Dao ở Hà Lâu vẫn giữ nguyên nét đẹp của phong tục đám cưới, giúp cho các đôi vợ chồng ý thức hơn về cuộc sống gia đình. Sau đám cưới các cặp vợ chồng dù cuộc sống còn thiếu thốn vất vả họ vẫn cứ hạnh phúc bên nhau đến trọn đời.