Đảo Lý Sơn tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa
Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa- nét văn hóa đặc sắc của cư dân huyện đảo Lý Sơn
Lễ hội này không chỉ nhằm tri ân những người lính trong đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa năm xưa đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, mà còn là dịp để giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, với mong muốn lớp con cháu hôm nay và mai sau tiếp tục gìn giữ chủ quyền biển đảo Việt Nam như ông cha đã từng làm từ hàng trăm năm trước.
Bắt đầu nghi thức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, các bô lão, đại diện các họ tộc khấn vái linh hồn tổ tiên và các hùng binh. Tiếp đến, thầy pháp khấn nguyện trước bài vị các “chiến binh” Hoàng Sa và yểm bùa vào các hình nhân thế mạng các chiến binh trong ngày lễ. Theo quan niệm của người dân nơi đây, khi thầy cúng “yểm bùa” vào những hình nhân thế mạng thì người lính ra Hoàng Sa đã có người chết thế (thế lính) rồi.
Sau lễ, các họ tộc tổ chức cuộc rước thuyền và hình nhân thế mạng được thả ra biển. 5 chiếc thuyền câu (mô hình tượng trưng) cùng những hình nhân thế mạng đã lần lượt thả trôi ra Hoàng Sa theo con đường mà các bậc tiền nhân Lý Sơn đã ra đi từ hơn 400 năm trước ngay tại bến thuyền của đảo.
Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa là một nét văn hóa đặc sắc của cư dân huyện đảo Lý Sơn, mang đậm tính nhân văn, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân huyện đảo. Vừa tri ân những người có công trong việc gìn giữ biên cương, hải đảo Tổ quốc, vừa góp phần làm yên lòng những người còn sống, thể hiện tính nhân văn cao cả và đạo lý “uống nước, nhớ nguồn” của cha ông ta.
Để tôn vinh và phát huy nét sinh hoạt văn hóa dân gian, năm 2013, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa của người dân đảo Lý Sơn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ngay sau Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, nhân dân địa phương tổ chức Lễ hội đua thuyền truyền thống tứ linh để cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, tôm cá đầy khoang./.