Non nước Việt Nam

Bếp lửa – linh hồn của người dân xứ Mường

Cập nhật: 11/04/2018 11:08:04
Số lần đọc: 1479
Trong văn hóa người Mường, bếp lửa có vị trí rất quan trọng trong mỗi ngôi nhà, là nơi tạo nên một phần sinh khí, một phần linh hồn của người dân xứ Mường.

Bếp lửa là linh hồn của nhà sàn - nơi duy trì, nuôi dưỡng, phát triển sự sống. Nhà sàn Mường truyền thống thường có hai bếp lửa đặt ở hai gian khác nhau, phản ánh phong tục tập quán, sinh hoạt của người dân. Bếp chính để chuẩn bị bữa cơm, cũng là nơi dành cho phụ nữ, trẻ em trong gia đình ngồi sưởi khi mùa lạnh, là nơi sum họp ăn uống của cả nhà. Một bếp nhỏ hơn đặt ở gian ngoài cùng là bếp khách, dành cho đàn ông trong gia đình ngồi sưởi, đun nước uống hàng ngày và tiếp khách. Bếp này người phụ nữ trong gia đình ít khi được ngồi bên hoặc sử dụng, trừ phụ nữ cao tuổi như cụ, bà hay con gái út được yêu quý nhất.

Người con gái Mường khi xuất giá về nhà chồng, nơi đầu tiên cô dâu tạ lễ không phải là bàn thờ gia tiên mà chính là bếp lửa và ông vua bếp. Kính cẩn trước bếp lửa - không gian sinh hoạt chính dành cho con dâu cũng như những phụ nữ Mường trong gia đình, sau đó mới là các nghi lễ cúng, lễ gia tiên của nhà chồng.

Bếp của người Mường có độ bền cao, khoảng 30 đến 40 năm. Bếp còn chứa một ý nghĩa tâm linh vì thờ ông vua bếp. 4 góc bếp có 4 cái ống dài khoảng 30-40cm, 4 ống này tượng trưng cho sự đầy đặn, chắc chắn, quanh năm no đủ.

Lễ đắp bếp lửa cũng được tổ chức rất cầu kỳ với sự tham gia của hai bên nội ngoại trong gia đình. Gia đình bên ngoại sẽ chuẩn bị đồ lễ để đưa sang nhà thông gia, lễ vật gồm có đôi gà trống, gạo nếp, rượu,… sẽ được ông bà thông gia gánh sang gia đình bên nội với ý nghĩa sâu xa nhằm cảm ơn gia đình bên nội xây nhà mới cho con gái của họ ở, hưởng phúc lộc nhà chồng.

Trước đây, khuôn bếp được làm bằng loại gỗ núc nắc theo khối hình vuông hoặc hình chữ nhật. Giờ đây, khi khan hiếm gỗ, người Mường dùng tre già hoặc họ nhà tre để làm khuôn bếp. Bẹ chuối được dùng để lót bếp vì bẹ chuối là vật dẫn nhiệt kém nên có tác dụng cách nhiệt giữa mặt bếp với nhà sàn, tránh gây hỏa hoạn.

Cá là con vật tượng trưng cho thế giới dưới nước cũng là biểu tượng cho sự may mắn, bởi vậy người Mường chọn cá nướng sau khi lễ đắp bếp được hoàn thành để ước mong về sự mát lành, yên ấm, no đủ cho ngôi nhà mới của gia đình mình.

Các nghi lễ, trình tự của việc đặt bếp lửa luôn được người Mường tuân thủ và tiến hành cẩn thận từng công đoạn, thể hiện sự thiêng liêng và mang ý nghĩa bí ẩn cho quan niệm về tâm linh của người Mường./.

Nguồn: langvietonline.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT