Hoạt động của ngành

Bảo tồn và phát huy di sản sách cổ của người Dao ở Lào Cai

Cập nhật: 19/01/2009 15:08:19
Số lần đọc: 2039
Sách cổ của người Dao là di sản văn hóa quan trọng có nhiều giá trị về lịch sử, văn học, tín ngưỡng... Sách cổ là nguồn tư liệu, là "chìa khóa" để mở cánh cửa nghiên cứu văn hóa tộc người Dao.

Từ những năm 60, sách cổ người Dao ở Việt Nam rất phong phú, mỗi làng người Dao có hàng trăm cuốn sách cổ. Nhưng hiện nay, kho tàng sách cổ người Dao mai một rất nhanh. Một vấn đề cấp bách đặt ra là phải tìm hiểu nguyên nhân mai một sách cổ, kiểm kê kho tàng sách cổ ở từng địa phương, sơ bộ đánh giá giá trị sách cổ và tìm giải pháp bảo tồn kho sách cổ ngay tại cộng đồng làng, thôn người Dao. Sách cổ người Dao là một khái niệm mang tính chất tương đối để chỉ toàn bộ số sách được người Dao viết hoặc sao chép lại từ trước năm 1945.

 

Người Dao gọi sách cổ này là "sâu" hoặc "tsâu" có nghĩa là "thư", "sách". Sách được ghi chép bằng loại chữ viết tượng hình theo kiểu chữ Hán nhưng được đọc theo âm Dao (cũng có người Dao bước đầu sáng tạo chữ mới hoàn toàn để ghi các từ thuần Dao). Thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai đã tập trung khảo sát ở 466 làng người Dao, chủ yếu để thống kê, phân loại sách cổ ở từng gia đình có sách trong mỗi làng, đồng thời sơ bộ đánh giá tình trạng sách (số trang, chất liệu giấy, còn tốt hay bị rách, hỏng...). Các sách này chủ yếu gồm sách tôn giáo, tín ngưỡng, sách dạy học, dạy hát, các truyện thơ, gia phả, tín ca...

 

Mỗi làng người Dao xưa kia như một thư viện nhỏ lưu giữ các bộ sách cổ. Nội dung sách khá phong phú bao gồm nhiều loại hình, bên cạnh giá trị hướng dẫn thực hành đạo giáo, còn có giá trị bảo tồn phong tục tập quán, nghi lễ của người Dao. Nhờ có sách cổ, các tri thức dân gian được ghi chép, truyền lại cho thế hệ sau. Sách cổ người Dao còn là công cụ truyền dạy kinh nghiệm ứng xử các mối quan hệ xã hội, các tri thức xem thời tiết, chọn đất canh tác, tri thức về dược liệu và cách chữa bệnh của người Dao. Trong đó loại sách hướng dẫn các kinh nghiệm ứng xử xã hội, sách giáo huấn răn dạy làm người khá phong phú. Sách cổ người Dao còn là nguồn tư liệu phong phú nghiên cứu quá trình hình thành và phát triển của chữ Dao. Trong quá trình giao lưu văn hóa, Sách cổ người Dao phản ánh sự tiếp nhận của các ngôn ngữ tộc người láng giềng, tạo thành văn tự Dao. Trên cơ sở chữ Hán, người Dao tiếp nhận một số từ của Nôm Tày, Nôm Việt đã được Dao hóa (biến đổi). Ðầu tiên trên cơ sở chữ Hán, người Dao sáng tạo một loại chữ Nôm nhưng âm và nghĩa của các chữ này thay đổi hoàn toàn. Về sau, người Dao sáng tạo ra các chữ mới. Vì trong môi trường sống, trong chữ Hán không đáp ứng được. Mặt khác, do cách nói của người Dao cần có chữ mới để diễn tả ngôn từ Dao. Các chữ mới xuất hiện đã khẳng định sự phát triển của chữ Dao, sự phát triển này bước đầu vạch rõ ranh giới chữ Hán và chữ Dao.

 

Trong 15 năm gần đây, du lịch Lào Cai phát triển khá mạnh. Hằng năm, có hàng trăm nghìn lượt du khách nước ngoài đến Lào Cai. Nhiều du khách tìm mua các đồ cổ các dân tộc, trong đó có sách cổ của người Dao. Vì vậy đã hình thành thị trường buôn bán sách cổ, tranh thờ cổ của người Dao cho du khách, có người phối hợp với người nước ngoài chuyên tổ chức mua sách cổ. Vì vậy, ở các huyện có ngành du lịch phát triển như Sa Pa, Bắc Hà hoặc các làng người Dao ven quốc lộ số sách bị bán cho du khách khá nhiều. Năm 2000, khảo sát ở xã Tả Phìn, một điểm du lịch hấp dẫn ở Sa Pa kết quả có 450 sách, nhưng hiện nay chỉ còn 233 cuốn.

 

Trước tình trạng đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành khảo sát, sưu tầm đánh giá trữ lượng sách cổ ở 466 làng người Dao cư trú thuộc bảy huyện và một thành phố. Kết quả, trong số 466 số làng người Dao, chỉ còn 279 làng có sách với số lượng sách cổ là 9.648 cuốn. Các cuốn sách cổ này đều được đóng dấu "Di sản văn hóa, đánh số thứ tự, vào sổ kiểm kê. Việc kiểm kê, đóng dấu "Di sản văn hóa" vừa giúp quản lý kho sách cổ trong các làng người Dao, vừa chống được việc bán sách cổ cho người nước ngoài. Mỗi một cuốn sách đều có một bản tóm tắt về tên sách, nội dung tình trạng bảo quản, số trang, số ký hiệu và tên chủ sách. Qua nghiên cứu, bước đầu, đã tiến hành phân loại theo niên đại và giá trị của cuốn sách. Kết quả, có 222 cuốn sách có giá trị đặc biệt quan trọng. Ðó là các tác phẩm truyện thơ, tín ca, các sách kể về sự kiện lịch sử văn hóa của người Dao, các sách thuốc, có 55 cuốn được xếp loại cổ vật... Bước đầu chụp ảnh kỹ thuật số 700 cuốn tiêu biểu (gồm các sách cổ vật, sách có giá trị về lịch sử văn học, văn hóa). Hiện nay, ngân hàng dữ liệu kho sách cổ người Dao trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã hình thành. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tiếp tục tiến hành chụp ảnh và bảo quản toàn bộ số sách cổ đã khảo sát, đồng thời tiến hành xây dựng phần mềm tin học phục vụ cho việc tra cứu, bảo quản các dữ liệu liên quan đến sách cổ, tập hợp các bài viết, nghiên cứu về sách cổ, chữ cổ của người Dao. 

Nguồn: website báo Nhân dân

Cùng chuyên mục