Hoạt động của ngành

Xây dựng sản phẩm chủ lực của Bộ VHTTDL trong xu hướng cách mạng công nghiệp lần thứ 4

Cập nhật: 16/07/2018 11:01:57
Số lần đọc: 634
(TITC) – Sáng ngày 13/7/2018, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL tổ chức Hội thảo khoa học “Xây dựng sản phẩm chủ lực của Bộ VHTTDL trong xu hướng cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.


TS. Từ Mạnh Lương – Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Từ Mạnh Lương – Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) có tác động nhanh, mạnh, rộng khắp chưa từng có trong lịch sử đến tất cả các ngành, lĩnh vực. Ngày 4/5/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0, trong đó giao cho mỗi Bộ, Ngành xây dựng các sản phẩm chủ lực.

Thực hiện Chỉ thị này, Bộ VHTTDL đã đặt mục tiêu tập trung xây dựng sản phẩm chủ lực trên các lĩnh vực: du lịch, thể thao và các ngành công nghiệp văn hóa, định hướng danh mục sản phẩm chủ lực giai đoạn 2017 – 2020 bao gồm 2 nhóm sản phẩm chính là Nhóm sản phẩm phục vụ du lịch thông minh và Nhóm sản phẩm thuộc các ngành công nghiệp văn hóa.

TS. Từ Mạnh Lương nhấn mạnh, hội thảo là một hoạt động quan trọng nhằm làm rõ khái niệm sản phẩm chủ lực; cách thức, quy trình xây dựng; đánh giá hiện trạng các sản phẩm; xây dựng lộ trình; đề xuất các điều kiện cần và đủ để thực hiện được những nội dung xây dựng sản phẩm chủ lực.

Tại hội thảo, thay mặt Tổng cục Du lịch, ông Lê Tuấn Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế đã trình bày tham luận “Du lịch Việt Nam và yêu cầu phát triển một số sản phẩm ứng dụng công nghệ tiếp cận CMCN 4.0”.


Toàn cảnh hội thảo

Theo đó, ông Lê Tuấn Anh cho biết, du lịch Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua, lượng khách quốc tế đến tiếp tục tăng trưởng ấn tượng. Giai đoạn 2011-2017, lượng khách quốc tế tăng 2,1 lần, từ hơn 6 triệu lên hơn 12,9 triệu lượt khách; khách du lịch nội địa tăng 2,4 lần, từ 30 triệu lên 73,2 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch tăng 3,9 lần, từ 130.000 tỷ đồng lên 511.000 tỷ đồng.

Bên cạnh những thành tựu trên, ngành Du lịch vẫn còn tồn tại một số hạn chế về công tác xúc tiến, quảng bá, quản lý điểm đến, phát triển sản phẩm du lịch… Trong bối cảnh CMCN 4.0 tác động nhanh và mạnh như hiện nay, ngành Du lịch cần phải thay đổi để có cách thức tiếp cận phù hợp với hành vi của khách du lịch trước và sau chuyến đi, và thay đổi phương thức quản lý du lịch dựa trên dữ liệu thực, được cập nhật, tích hợp đồng bộ.

Dựa trên cơ sở dữ liệu lớn, các sản phẩm ứng dụng công nghệ 4.0 trong ngành Du lịch sẽ chủ yếu do các doanh nghiệp và các cơ sở cung cấp dịch vụ phát triển dựa trên nhu cầu thực tế với sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước. Theo ông Lê Tuấn Anh, một số sản phẩm cụ thể đáp ứng nhu cầu của ngành Du lịch cần được chú trọng đầu tư, bao gồm: Du lịch dựa trên công nghệ thực tế ảo và thực tế tăng cường (VR/AR); Hệ thống quản lý điểm đến hỗ trợ hoạt động lữ hành, lưu trú; thẻ du lịch đa năng và phần mềm thuyết minh du lịch tự động.


Ông Lê Tuấn Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Du lịch)

Hội thảo cũng đã nghe các diễn giả đã trình bày nhiều tham luận về các nội dung như: xây dựng thư viện số, đào tạo thể dục thể thao trong bối cảnh CMCN 4.0; trải nghiệm sáng tạo theo công nghệ 4.0 tại bảo tàng, triển khai hệ thống GIS tổng thể ngành VHTTDL...

Các đại biểu dự hội thảo cho rằng, trong bối cảnh công nghệ 4.0 bùng nổ như hiện nay, việc xây dựng sản phẩm chủ lực của Bộ VHTTDL là rất cần thiết và quan trọng, đặc biệt là các sản phẩm gắn liền với công nghệ hiện đại, tiên tiến. Đồng thời cần phải đầu tư vào hệ thống bảo mật, an toàn thông tin, tính toàn vẹn của dữ liệu và an ninh mạng.

Đánh giá cao những ý kiến, tham luận của các đại biểu dự hội thảo, TS. Từ Mạnh Lương, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường khẳng định sẽ tiếp thu nội dung các ý kiến đóng góp, đồng thời cũng nhấn mạnh, danh mục sản phẩm chủ lực của Bộ mang tính định hướng, các đơn vị cần chủ động xây dựng các sản phẩm ứng dụng công nghệ 4.0 phù hợp với đơn vị mình, thuận lợi để áp dụng vào thực tiễn.

Tin, ảnh: Thu Thủy

Nguồn: TITC

Cùng chuyên mục