Non nước Việt Nam

Di tích, danh thắng và huyền tích tỉnh Hà Nam

Cập nhật: 02/02/2009 08:59:12
Số lần đọc: 2019
Chùa Long Đọi Sơn-đệ nhất danh thắng của trấn Sơn Nam Chùa Long Đọi Sơn có tên chữ là Diên Linh tự (thuộc xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, Hà Nam). Chùa do vua Lý Thánh Tông và Vương phi Ỷ Lan chủ trì xây dựng từ năm 1054 (tể tướng Dương Đại Gia và thiên sư Đàm Cứu Chỉ được mời đến trụ trì và tham gia xây dựng).

Chùa có nhà bia, tòa tam bảo, và chùa chính gồm 6 gian. Trong chùa thờ phật chủ Thích Ca Mầu Ni. Hiện nay chùa còn lưu giữ được nhiều tượng cổ trong đó có 18 pho tượng La Hán, 6 pho tượng Kim Cương.Ngoài ra còn có pho tượng Di Lặc bằng đồng, nặng một tấn, được đúc vào năm 1864.

 

Bia Sùng Thiện Diên Linh bảo vật quốc gia

Bia Sùng Thiện Diên Linh được vua Lý Nhân Tông chủ trì xây dựng từ năm 1118 đến năm 1121. Thượng thư bộ Hình Nguyễn Công Bật soạn văn bia. Văn bia nguyên có tên là Đại Việt quốc dương gia đệ tứ Sùng Thiện Diên Linh tháp bi, được viết xong ngày 6 tháng 7 năm Tân Sửu (1121). Nội dung bài văn bia chủ yếu ca ngợi công lao tài trí của Lý Nhân Tông trong việc xây dựng, kiến thiết đất nước. Mặt sau tấm bia ghi việc Thái hậu Ỷ Lan cúng vào chùa 72 mẫu ruộng làm đèn nhang năm 1121, khắc bài thơ của Lê Thánh Tông làm vào năm Quang Thuận thứ 8 (1467) nhân dịp nhà vua đi bái yết sơn lăng lên thăm chùa.

 

Đền Lăng linh thiêng đất Thanh Liêm

Đền Lăng còn có tên là đền Ninh Thái thuộc thôn Cõi (xưa gọi là làng Bảo Thái), xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm. Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành. Theo sử sách còn chép lại hai vua Đinh, Lê cùng các tướng lĩnh đã xây dựng lực lượng chống thù trong giặc ngoài gìn giữ độc lập dân tộc. Ngoài ra còn một huyền tích khác về cha đẻ của Lê Hoàn là Lê Lộc từng sinh sống ở nơi đây. Một lần đi đổ đó đêm tại núi Bông bị con hổ trắng do chính ông nuôi để trông cá vô tình vồ chết. Con hổ nhận ra chủ đã cõng ông về núi Cõi giấu xác. Mối đùn lên thành một ngôi mộ to, dân trong vùng gọi là Mả Dấu hay “mộ hổ táng”. Hội Đền Lăng diễn ra vào ngày 10 tháng Giêng.

 

Làng trống Đọi Tam-nức tiếng gần xa

Tương truyền, năm 986, được tin vua Lê Đại Hành sửa soạn về làng làm công tác tịch điền dưới chân núi Đọi, nhân dân nô nức tới xem. Lúc ấy, có hai anh em là Nguyễn Đức Năng và Nguyễn Đức Đạt biết tin, liền làm một chiếc trống lớn. Hai anh em mang trống ra dự lễ đón vua. Khi gióng lên, tiếng kêu như sấm (cho nên sau này, hai ông được gọi là Trạng Sấm), vua thấy hay liền hỏi cách làm. Nghề làm trống hình thành ở Đọi Tam từ đó và tính đến nay, cũng đã hơn nghìn tuổi. Hiện nay làng Đọi Tam có hơn 500 hộ làm trống và rất nhiều nghệ nhân lão luyện trong nghề làm trống.

Nguồn: QĐND

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT