Hoạt động của ngành

Tổng cục Du lịch tổ chức khảo sát phát triển sản phẩm du lịch Duyên hải miền Trung

Cập nhật: 07/09/2018 17:35:56
Số lần đọc: 1552
(TITC) - Thực hiện Chiến lược Phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhằm phát triển các sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh cao như sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch văn hóa, du lịch MICE..., đồng thời định hướng phát triển sản phẩm cho Năm Du lịch quốc gia 2019 tại Khánh Hòa và khu vực Duyên hải miền Trung, từ ngày 9 – 14/9/2018, Tổng cục Du lịch tổ chức chương trình khảo sát phát triển sản phẩm du lịch Duyên hải miền Trung.  

Biển Mũi Né (Bình Thuận)

Tham gia đoàn khảo sát có đại diện lãnh đạo và chuyên viên Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cùng một số đơn vị trực thuộc Tổng cục Du lịch; đại diện Bộ Tài chính, Kho bạc nhà nước, Văn phòng Chính phủ, hãng hàng không; đại diện các hãng lữ hành miền Bắc, miền Trung và miền Nam; đại diện các Sở Du lịch, Sở VHTTDL các tỉnh/thành: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh; đại diện cơ quan thông tấn báo chí, truyền hình và cơ quan liên quan.

Các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận nằm trong khu vực Duyên hải miền Trung, là khu vực tập trung nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp của đất nước, có sức hấp dẫn đặc biệt đối với du khách trong nước và quốc tế, có thể kết nối và có sức lan tỏa đối với cả khu vực Duyên hải miền Trung và cả nước. Việc tổ chức đoàn khảo sát phát triển sản phẩm du lịch khu vực Duyên hải miền Trung nhằm khai thác triệt để lợi thế về địa lý và tiềm năng du lịch, đẩy mạnh liên kết và phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, có sức cạnh tranh trong nước và khu vực.

Chương trình tập trung khảo sát một số điểm như: Trường Dục Thanh - Tháp cổ Poshanư, Mũi Né – Hòn Rơm, Sea Link City và Lâu đài rượu Vang RD, Bàu Trắng, biển Cổ Thạch, Bãi đá bảy màu, chùa Hang (Bình Thuận); làng gốm Bàu Trúc, bãi biển Cà Ná, Làng dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp, Mũi Dinh, KDL Tanyoli, vườn nho Ba Mọi, tháp Pô Klong GiaRai, vịnh Vĩnh Hy, vườn quốc gia Núi Chúa, hang Rái (Ninh Thuận); cụm du lịch sinh thái biển đảo Bình Hưng – Bình Ba – Bình Lập, KDL sinh thái hồ Kênh Hạ, di tích lịch sử mật khu Đá hang, Khu di tích Quốc gia tàu không số C235, bãi biển Dốc Lết (Khánh Hòa).

Trong khuôn khổ chương trình khảo sát, Tổng cục Du lịch cũng sẽ tổ chức tọa đàm phát triển sản phẩm du lịch Duyên hải miền Trung vào ngày 14/9/2018 nhằm đánh giá thực trạng khai thác, phát triển sản phẩm du lịch khu vực Duyên hải miền Trung; đề xuất giải pháp tăng cường liên kết giữa các đối tác công tư (chính quyền địa phương - doanh nghiệp) trong phát triển du lịch khu vực Duyên hải miền Trung. Từ đó kêu gọi các doanh nghiệp lữ hành nghiên cứu, khảo sát và đầu tư phát triển sản phẩm du lịch, kết nối các chương trình du lịch với khu vực Duyên hải miền Trung và đẩy mạnh đưa khách du lịch đến với khu vực Duyên hải miền Trung trong thời gian sớm nhất.

Lam Phương

Nguồn: TITC

Cùng chuyên mục