Định hướng phát triển du lịch vùng duyên hải phía đông ĐBSCL
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Văn hóa, Du lịch - Liên hoan ẩm thực Nam Bộ Trà Vinh. Gần 200 đại biểu là các nhà quản lý, nghiên cứu về du lịch, lãnh đạo tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các doanh nghiệp làm du lịch trong khu vực đến dự.
Hội thảo đã nhận được hơn 40 bài tham luận của các nhà nghiên cứu, chuyên gia về du lịch... xoay quanh chủ đề phân tích tiềm năng, thực trạng, dự báo xu thế, nhu cầu hưởng thụ du lịch và khả năng liên kết vùng trong việc kiến tạo dịch vụ, sản phẩm du lịch của không gian bốn tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh.
Tiểu vùng duyên hải phía đông ĐBSCL gồm bốn tỉnh có diện tích hơn 8.788 km2, chiếm 21% tổng diện tích ĐBSCL. Điểm nổi bật là tài nguyên nước trong vùng rất dồi dào, có 162 km bờ biển, nơi tập trung nhiều cồn và cù lao; là nơi cộng cư chủ yếu của ba dân tộc Kinh - Khmer - Hoa. Sự hòa quyện của ba dân tộc đã tạo nên bản sắc văn hóa, kiến trúc lăng tẩm, đền chùa có nhiều nét riêng độc đáo. Giá trị văn hóa ẩm thực mang lại tính hấp dẫn riêng cho tiểu vùng... tạo nên mật độ tài nguyên du lịch văn hóa trên địa bàn bốn tỉnh khá cao là tiềm năng để tạo nên nhiều điểm đến hấp dẫn du khách.
Theo các chuyên gia, bốn tỉnh có những điểm chung và riêng khác biệt, nếu được liên kết tốt và hệ thống dịch vụ tốt sẽ là điều kiện lý tưởng để tạo nên các tour du lịch hấp dẫn, thu hút khách. Hội thảo nhằm chỉ ra định hướng liên kết vùng một cách khoa học để du lịch vùng được phát triển bền vững hơn.