Thừa Thiên-Huế: Mở rộng nghề dệt thổ cẩm truyền thống
Tại huyện miền núi A Lưới còn 3 Tổ hợp tác với gần 120 lao động chuyên dệt vải thổ cẩm, tạo ra các sản phẩm như: áo, túi xách, ví, thắt lưng... bán cho khách du lịch, các địa phương lân cận và xuất khẩu sang Lào, Thái Lan. Thu nhập bình quân mỗi lao động từ 800 ngàn đến 1 triệu đồng/tháng, góp phần nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số.
Để duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống, Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với địa phương thường xuyên mở các lớp tập huấn nâng cao tay nghề, truyền nghề cho lực lượng lao động trẻ.
Ông Trần Đình Vũ, Phó Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, để duy trì và phát triển ngành nghề truyền thống này, những năm qua, Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với địa phương sử dụng nguồn lực là các nghệ nhân để truyền nghề, tạo ra nhiều lao động trong tổ chức phát triển nghề dệt cho bà con. Nguồn kinh phí đào tạo nghề được sử dụng từ nguồn kinh phí của chương trình 135 và ưu tiên cho các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn để đào tạo nghề cho lao động nghề dệt.