Non nước Việt Nam

Rượu thuốc quý của dân tộc Dao vùng Tây Bắc

Cập nhật: 06/03/2009 10:45:01
Số lần đọc: 3201
Từ lâu, đồng bào dân tộc Dao cho rằng, rượu là đồ uống không thể thiếu trong bữa ăn mời khách những dịp lễ, tết, cúng tổ tiên, cấp sắc, cúng Bàn Vương, tết nhảy, đám cưới, đám ma... Người Dao có tập quán uống rượu thuốc và chế biến rượu thuốc bằng cách ngâm rượu cất với một số loại rễ cây có vị bổ, nhất là ngâm với thuốc bắc. Ngoài ra, bà con dân tộc Dao còn làm rượu nếp không cất.

Đồng bào dân tộc Dao thích nấu rượu bằng bột lấy từ thân cây đao, cây móc, cây báng. Đây là các loại cây họ dừa, mọc rất nhiều trong rừng. Các loại cây này, bà con khai thác quanh năm và thườngkhai thác vào thời gian cây đang có hoa, nấu rượu sẽ ngon hơn. Vào mùa cây đao, móc, báng ra hoa cũng chính là tháng giáp Tết Nguyên đán (tháng Chạp âm lịch). Cả nam giới và phụ nữ trong các gia đình người Dao đều tham gia vào việc khai thác loại nguyên liệu nấu rượu này. Cây đao, móc, báng được đẽo sạch vỏ, băm thật nhỏ rồi đập nát cho vào chõ đồ chín, sau đó được rỡ ra nia, dưới nia được lót lá chuối tươi và san mỏng để nguội trước khi trộn với men rượu. Khi cơm đao đã nguội, họ cho men đã giã nhỏ vào trộn thật đều, sau đó ủ kín từ 8 đến 10 ngày trong chum hoặc hũ. Kỹ thuật chưng cất rượu của đồng bào dân tộc Dao không có gì khác so với bà con dân tộc Tày, Mông, Kinh trong vùng. Cơ bản vẫn theo nguyên tắc: cho rượu vào chõ, đun cho rượu bốc hơi, cho hơi rượu nóng đi qua nước lạnh để làm ngưng rượu và cuối cùng là dẫn rượu đã ngưng tụ ra bình, chai để chứa. Để tận dụng bột đao, móc, báng sau khi nấu xong họ để cho bỗng rượu nguội hẳn sau đó trộn men ủ tiếp, cứ như thế một mẻ cơm đao có thể sử dụng được ba lần.


Rượu thuốc bắc cũng được ngâm ủ bằng rượu gạo, rượu ngô. Sau khi rượu được trưng cất, được ngâm cùng với các loại cây thuốc lấy trên rừng. Loại rượu thuốc này ngâm càng lâu năm càng tốt, dùng để chữa bệnh và uống cho sức khoẻ thêm dẻo dai, khoẻ mạnh hơn. Vì thế nó được coi là sản vật quý của đồng bào dân tộc Dao. Ngày nay, đời sống kinh tế phát triển, cùng với nhu cầu trao đổi giao lưu hàng hoá, sản phẩm rượu thuốc và rượu đao, móc, báng của người Dao được trao đổi mua bán như một loại hàng hoá. Hầu hết các du khách đến tham quan các bản, làng của người Dao đều thích uống loại rượu này, bởi nó có hương vị đặc trưng riêng của loại cây rừng được sử dụng làm nguyên liệu nấu rượu, nồng độ nhẹ vừa đủ để cho du khách vừa nhâm nhi chén rượu đặc sản của miền núi vừa ngất ngây thưởng thức phong cảnh đẹp của núi rừng. Đối với các loại rượu thuốc bắc, sau thời gian ngâm ủ nồng độ chất anđêhít độc hại có trong rượu đã được khử hết, nên rất tốt cho sức khoẻ. Vì thế du khách thường tìm mua các loại rượu này về để làm quà. Đây cũng là lợi thế để tỉnh ta đưa các loại rượu này vào danh sách các sản phẩm du lịch cần được xây dựng thương hiệu, khai thác tiềm năng thế mạnh sản phẩm du lịch, phục vụ du khách, phát triển ngành du lịch của địa phương.

Nguồn: website báo Tuyên Quang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT