Tin tức - Sự kiện

Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc 2009: Nhiều nét mới, phong phú và hấp dẫn

Cập nhật: 27/03/2009 13:33:58
Số lần đọc: 1349
Vùng đất Tây Bắc của Tổ quốc có bề dày văn hóa, lịch sử với cộng đồng các dân tộc thiểu số sinh sống từ lâu đời, là nơi ghi dấu quá trình dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc. Từ nhiều năm qua, định kỳ hai năm một lần, đại diện các dân tộc anh em ở những tỉnh vùng cao nơi đây lại tụ hội trong Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc. Năm nay, ngày hội lần thứ 11 sẽ diễn ra tưng bừng từ ngày 28 đến 31/3 tại thị xã Lai Châu, tỉnh Lai Châu.

Ðây là ngày hội có quy mô lớn của khu vực nhằm góp phần tăng cường sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, nhằm tôn vinh, gìn giữ, phát huy, giới thiệu bản sắc văn hóa các dân tộc, góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số. Trong thời gian tổ chức ngày hội, các nghệ nhân, diễn viên nghệ thuật quần chúng và các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp cùng những vận động viên, thuyết minh viên, hướng dẫn viên du lịch được gặp gỡ, giao lưu và giới thiệu những nét văn hóa, các trò chơi, môn thể thao và tiềm năng du lịch, truyền thống tốt đẹp và bản sắc độc đáo của từng dân tộc theo đặc trưng vùng, miền. Ðồng thời, ngày hội còn là dịp để các nhà quản lý văn hóa học tập, trao đổi kinh nghiệm, đẩy mạnh cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, rèn luyện thể thao, xây dựng sản phẩm, quảng bá du lịch, nhất là du lịch văn hóa, thông qua các làn điệu dân ca, trang phục dân tộc, lễ hội và trò chơi dân gian. Từ đó góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa. Theo ban tổ chức, ngày hội năm nay còn mang ý nghĩa chào mừng kỷ niệm 100 năm thành lập tỉnh Lai Châu, 60 năm thành lập Ðảng bộ tỉnh.

 

Với nội dung hoạt động được mở rộng, Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc 2009 có nhiều nét mới, phong phú và hấp dẫn hơn các kỳ trước. Trong đêm khai mạc tổ chức tại Quảng trường Nhân dân tỉnh Lai Châu được truyền hình trực tiếp trên Ðài truyền hình Việt Nam, một vòng xòe lớn nhất từ trước đến nay với sự tham gia của hơn 1.000 người được trình diễn. Khoảng 600 diễn viên chuyên nghiệp từ các đoàn nghệ thuật trong tỉnh và Trường cao đẳng Múa, cùng 500 diễn viên không chuyên là các học sinh và con em người dân tộc thiểu số trong tỉnh sẽ tham gia vòng xòe. Ban tổ chức cũng đã đăng ký xác lập ghi-nét Việt Nam với vòng xòe này. Một nét mới là ở màn thi trang phục các dân tộc sẽ có bỏ phiếu bình chọn Người đẹp ngày hội năm 2009 với sự tham gia của đông đảo người dân và các đại biểu. Bên cạnh đó là các hoạt động tưng bừng diễn ra, như Liên hoan nghệ thuật quần chúng và trại văn hóa, triển lãm của các tỉnh. Trong mỗi gian triển lãm, các tỉnh trưng bày những hình ảnh tiêu biểu về kinh tế, văn hóa, xã hội, du lịch, thể thao và các thành tựu phát triển ở các địa phương. Một hội chợ triển lãm Tây Bắc với quy mô từ 200 đến 250 gian hàng cũng được tổ chức để các tỉnh Tây Bắc giới thiệu những mặt hàng thủ công mỹ nghệ, trang phục, sản phẩm nghề truyền thống, nhạc cụ, văn hóa ẩm thực. Riêng tỉnh chủ nhà Lai Châu có bảy gian hàng giới thiệu đặc trưng văn hóa của những dân tộc cư trú trên địa bàn tỉnh như: Mông, Dao, Thái, La Hủ, Giáy, Hà Nhì, Cống, Mảng, Si La, Lự, v.v.

 

Một trong những hoạt động thu hút du khách và người xem trong ngày hội là phần trình diễn các lễ hội truyền thống và thi tài ở nhiều môn thể thao và trò chơi dân gian vùng cao Tây Bắc như: tung còn, tù lu (trò chơi đánh cù của người Mông), bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co, chạy việt dã. Riêng phần lễ hội truyền thống của từng tỉnh sẽ được tái hiện với hình thức sân khấu hóa các trích đoạn tiêu biểu. Ban tổ chức cũng tiến hành thi thuyết minh viên du lịch với chủ đề "Vẻ đẹp vùng Tây Bắc" nhằm chọn ra những người am hiểu và có khả năng thuyết minh có sức lôi cuốn du khách về du lịch vùng. Ðại diện các tỉnh sẽ tham gia một cuộc hội thảo "Phát triển du lịch vùng Tây Bắc" có sự tham gia ý kiến của các nhà nghiên cứu, quản lý du lịch và văn hóa ở trung ương và địa phương.

 

Dự kiến số lượng người về dự ngày hội năm nay sẽ lên tới gần 20 nghìn. Những công việc cuối cùng chuẩn bị cho ngày hội, từ kịch bản đến hệ thống cơ sở vật chất, ánh sáng, công tác an ninh trật tự, cổ động, tuyên truyền đã được các tiểu ban công tác khẩn trương thực hiện. Bên cạnh sân khấu Quảng trường Nhân dân tỉnh Lai Châu, các hạng mục công trình của sân vận động tỉnh cũng gấp rút được hoàn thiện với lớp cỏ được trồng mới và hệ thống thoát nước, tường rào được sửa sang. Ðường phố trong thị xã Lai Châu đều được trang hoàng cờ, băng-rôn, pa-nô, áp-phích tuyên truyền, cổ động. Có thể nói, đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị đã được hoàn tất và Lai Châu đã sẵn sàng cho buổi lễ khai mạc tối 28/3.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT