Đà Nẵng: Cần đặc biệt quan tâm bảo vệ môi trường khu du lịch
Đại diện các cơ quan, ban, ngành, các nhà quản lý, nhà khoa học tham dự hội thảo đều nhất trí mục tiêu của Đà Nẵng là phát triển dịch vụ - du lịch và phấn đấu đến năm 2020 đạt danh hiệu “Thành phố môi trường”. Do vậy, chủ trương đề ra là phải nói không với ô nhiễm, khuyến khích ngành công nghiệp không khói và không nước thải; hạn chế đến mức tối đa các doanh nghiệp đầu tư ngoài khu công nghiệp, đặc biệt là gần khu dân cư và khu du lịch; khuyến khích các chủ đầu tư khu công nghiệp mời gọi các dự án sạch, ít gây ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng bày tỏ quan ngại, bởi thành phố tập trung phát triển du lịch - dịch vụ nhưng công tác quản lý môi trường du lịch trên địa bàn hiện vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Việc quan trắc và giám sát môi trường tại các cụm, khu du lịch, danh lam thắng cảnh vẫn còn thiếu.
Theo dự kiến, đến năm 2020, Đà Nẵng sẽ đầu tư thêm 32 khu du lịch với tổng diện tích trên 2.500ha. Mật độ phát triển du lịch khá cao như vậy sẽ tạo ra những nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất cao như ô nhiễm rác thải sinh hoạt của du khách, ô nhiễm nước thải sinh hoạt… Do vậy, các đại biểu kiến nghị, trong quy hoạch tổng thể phát triển Đà Nẵng đến năm 2020, phải lồng ghép các mục tiêu, giải pháp bảo vệ môi trường gắn với phát triển kinh tế-xã hội để bảo đảm cho một sự phát triển bền vững. Cần dành nhiều quỹ đất hơn cho công tác bảo vệ môi trường và cần quan tâm đặc biệt đến vấn đề bảo vệ môi trường khu du lịch.
Bên cạnh đó, các đại biểu kiến nghị, cùng với việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng và đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án “Thành phố môi trường”, các hệ thống xử lý nước thải đô thị tập trung đến năm 2020 phải đạt công suất tối thiểu 200.000m³/ngày đêm. Các nhà máy xử lý rác thải hợp vệ sinh phải đạt tổng công suất tối thiểu 560.000 tấn/năm.