Bảo tồn những giá trị văn hóa phi vật thể của người Pố Y, Hà Giang
Dân tộc Pố Y là một trong những dân tộc thiểu số của tỉnh, có những bản sắc văn hoá riêng biệt. Mặc dù sống ở vùng cao, vùng sâu, đời sống kinh tế còn gặp khó khăn nhưng người Pố Y vẫn bảo tồn và gìn giữ được bản sắc văn hoá của dân tộc mình.
Người Pố Y trên địa bàn tỉnh sống chủ yếu ở xã Quyết Tiến (Quản Bạ) với 104 hộ, 481 nhân khẩu, bao gồm nhiều dòng họ như Ngũ, Phan, Vi, Lộc, Dương, Âu, La. Văn hoá phi vật thể của người dân tộc Pố Y có các tục thờ thần rừng, thần nông, Tết và Lễ hội, nghệ thuật dân gian truyền thống…Tập quán của người Pố Y trong năm có 2 lễ tết lớn, đó là: Tết Nguyên đán (tết Cả) và Tết tháng 7 là 2 cái Tết quan trọng, tiêu biểu nhất. Từ xa xưa người Pố Y ăn Tết kéo dài từ 30 Tết đến hết Rằm tháng Giêng. Ngày 30 Tết nhà nào cũng có thịt lợn, gà, bánh rán…cúng tổ tiên để chứng giám cho lòng thành kính, sau đó làm một mâm cỗ cúng vào tối 30 và ngày mùng 1 Tết. Những ngày khác của Tết chỉ bày rượu, bánh, hoa quả lên bàn thờ và thắp hương. Ông Phan Ngọc Dương, thôn Tân Tiến, Quyết Tiến (Quản Bạ) người chính gốc Pố Y, am hiểu phong tục, tập quán của dân tộc mình và là một trong những người trực tiếp biên soạn ra cuốn từ điển người dân tộc Pố Y kể rằng, xưa kia người Pố Y có tục lệ vào ngày Rằm tháng 7 (15/7 âm lịch) người Pố Y không được tắm, không được mang cây xanh vào nhà vì theo truyền thuyết vào ngày này Ngọc Hoàng thả những linh hồn, những người bị tai nạn và bị chết thảm đi tắm, nếu người trần tục tắm đúng vào ngày này sẽ sinh ra ốm đau, mụn nhọt, chết. Từ mùng 1 đến Rằm tháng Giêng, đồng bào nghỉ không đi làm nương rẫy, họ đi chơi thăm hỏi, chúc Tết nhau và tổ chức các môn thể thao như đánh sảng, đánh yến, kéo co… Về phần Hội bao gồm Lễ hội cúng tổ tiên và thờ thần nông: Hàng năm cứ đến ngày 6/6 (âm lịch) hoặc 15/7 âm lịch người dân Pố Y lại đến những chân ruộng thiêng để làm lễ cúng tổ tiên và thần nông, lễ vật cúng tổ tiên gồm có: Xôi, rượu, thịt bò, lợn hoặc gà. Trong ngày lễ, người Pố Y từ già đến trẻ đều mặc những bộ quần áo mới truyền thống của dân tộc. Sau khi cúng tổ tiên và cúng thần nông xong, đồ vật được bày ra, dân làng cùng nhau ăn uống, tổ chức múa hát tưởng nhớ công ơn những người đã khai phá ra vùng đất mới này. Lễ mừng lúa mới (Cân ò Mua) vào ngày 2/8 âm lịch. Do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, người dân ở đây chỉ trồng lúa 1 vụ. Sau khi thu hoạch xong, người dân tổ chức Lễ hội mừng lúa mới. Các đồ vật thờ có cá, tôm, tép, tương truyền đây là những giống không ăn lúa, gạo nên trong nhà lúc nào cũng có thóc, gạo đầy bồ. Họ mời thầy cúng đến làm lễ cảm tạ thần nông, tổ tiên, trời đất và cầu khấn cho năm sau mưa thuận, gió hoà, làm cho mùa màng tươi tốt. Đối với Lễ mừng nhà mới, người Pố Y sau khi cưới vợ, nếu nhà giầu thì có nhà cửa của bố mẹ để lại, nhà nghèo thì tự làm nhà. Làm xong nhà, nhờ thầy cúng đến dự lễ vào nhà mới. Sau bài cúng, mâm cỗ được dọn xuống, chủ nhà mời anh, em họ hàng, xóm giềng cùng ăn uống, chung vui cùng gia đình và múa hát. Đối với Lễ tôn trưởng họ, cũng như nhiều dân tộc khác, mỗi dòng họ thường có người đứng đầu hay còn gọi là trưởng họ. Trưởng họ được suy tôn theo hình thức cha truyền con nối. Người lên làm trưởng họ phải có phẩm chất, có tư cách đạo đức, được mọi người trong dòng họ tin tưởng, tín nhiệm. Lễ suy tôn trưởng họ diễn ra đơn giản nhưng mang đậm nét truyền thống. Trong lễ suy tôn có rượu, xôi, gà… Trong ngày lễ có các cụ già, anh em, họ hàng đến dự, người ta kiêng không cho con rể, con gái có mặt dự lễ. Người được suy tôn làm trưởng họ phải cúng bái tổ tiên và ra mắt anh em họ hàng trước khi gánh vác những công việc quan trọng được giao. Người được suy tôn phải hứa trước bàn thờ tổ tiên là: Hoàn thành tốt trọng trách của người trưởng họ, là người đứng ra giải quyết tất cả những việc trọng đại của dòng họ như cưới xin, ma chay, giải quyết các mối quan hệ trong dòng họ và giữ gìn sự đoàn kết trong dòng họ.
Có thể nói, bảo tồn và gìn giữ, phát huy bản sắc văn hoá truyền thống của người dân tộc Pố Y đã góp phần vào việc quy hoạch và xây dựng làng văn hoá du lịch cộng đồng của tỉnh, đồng thời nó cũng góp phần vào việc xây dựng, hình thành bản sắc văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bẳn sắc dân tộc.