Hoạt động của ngành

Thanh Hóa: Phát triển và khai thác hiệu quả loại hình du lịch sinh thái

Cập nhật: 04/05/2009 10:05:25
Số lần đọc: 2944
Du lịch sinh thái đã và đang là sự lựa chọn, là niềm đam mê của nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Vì vậy, phát triển du lịch sinh thái là tất yếu. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm về lọai hình du lịch này...

Cái nắng hanh hao, gió vàng, cát trắng... từ bao đời vốn là “đặc sản” của thiên nhiên miền Trung. Nằm ở phần địa đầu dải đất ấy, Thanh Hóa một mặt phải sống chung cùng sự “đỏng đảnh” của thời tiết, mặt khác vùng đất này lại được thiên nhiên ưu ái hơn khi dành tặng một loạt “công trình” mà chỉ có bàn tay sắp đặt của tạo hóa mới trở nên sống động, hài hòa đến vậy. Đó là Sầm Sơn, Hải Hòa, Hải Tiến... vùng ven biển; là Bến En, Cẩm Lương, Pù Luông, Pù Hu, Cửa Đạt, Lam Kinh... vùng trung du miền núi. Dựa trên sự sắp đặt ấy, loại hình du lịch sinh thái cũng tập trung phát triển ở hai địa bàn: Trung du miền núi và vùng biển. Du lịch sinh thái biển  gắn liền với các loại hình dịch vụ, du lịch biển như lưu trú, nghỉ ngơi, tắm biển, bơi lặn, chèo thuyền, lướt ván, tìm hiểu văn hóa, ẩm thực, hệ động thực vật biển... So với các vùng biển khác trong tỉnh, Sầm Sơn  cơ bản đáp ứng nhu cầu của loại hình du lịch này. Sầm Sơn ví như chim đại bàng mà ức của nó là dãy Trường Lệ hướng ra biển Đông, cánh phía bắc bắt đầu từ đền Cô Tiên trở về Quảng Cư, còn cánh phía nam là một dải biển thuộc Quảng Xương. Mùa du lịch, trong khi phía bắc đang thả sức sải cánh bay, thì phía nam vẫn “ngủ quên” im lìm trong tiếng phi lao và sóng biển. Bởi đôi cánh vẫn chưa thật khỏe, chưa thật đều nên đại bàng vẫn chưa thể cất mình bay cao, bay xa như nó muốn, như chúng ta vẫn chờ đợi. Đó là chưa kể bản thân cánh phía bắc của nó cũng còn không ít khiếm khuyết, ví như  những vấn đề về xúc tiến đầu tư, quy hoạch đô thị, quy hoạch bãi tắm, vệ sinh môi trường, cải tạo nước biển... Nối liền với Sầm Sơn là vùng biển Hải Tiến (Hoằng Hóa). Biển Hải Tiến đa phần còn nằm ở trạng thái khá nguyên sơ, núi chắn nước, nước ôm chân núi, bờ biển chạy dài qua một loạt các xã ven biển. Nếu Khu du lịch Hải Tiến đi đúng quy hoạch và tiến độ thì đây sẽ là nơi san sẻ cho Sầm Sơn nhiều gánh nặng, đồng thời trở thành một trong những trọng điểm du lịch  của tỉnh và cả nước. Nằm ở phía nam Thanh Hóa, biển Hải Hòa (Tĩnh Gia) có lợi thế hơn nhiều vùng biển khác bởi trong thời gian tới nó sẽ là đầu mối đón Khu đô thị mới Nghi Sơn. Biển Hải Hòa đúng như tên gọi của nó: vẻ đẹp hài hòa của hệ sinh thái chưa chịu nhiều tác động từ bàn tay con người.

 

Khác với du lịch sinh thái biển thiên về vui chơi, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái rừng hồ (Bến En, Cửa Đạt), sinh thái văn hóa (suối cá Cẩm Lương, quần thể di tích Lam Kinh) hay văn hóa sinh thái cộng đồng (đang bước đầu triển khai tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Pù Hu) có phần thiên về khám phá, tìm hiểu. Hãy bắt đầu cuộc hành trình từ Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (nằm trên địa bàn 2 huyện Quan Hóa, Bá Thước). Sự phong phú, đa dạng của thảm thực vật và hệ động vật với hàng nghìn loài, trong đó có nhiều loài quý hiếm, đặc hữu ít thấy trong các khu bảo tồn khác là thế mạnh lớn nhất tạo nên sức hút những du khách ưa tìm hiểu, gần gũi với thiên nhiên. Giữa khí hậu trong lành, mát mẻ hòa trong cái hoang sơ, kỳ vĩ của cảnh vật, hãy tưởng tượng buổi sớm mở cửa ra ta có thể đón tất cả khí trời vào lồng ngực hay thả mình trôi trong đêm hội rượu cần để men say lẫn vào câu khặp, điệu xòe của cô gái Thái... Xuôi về Cẩm Lương (Cẩm Thủy) vào Suối Cá thần - thắng tích có một không hai trong nước hay ngược sang Bến En (Như Thanh) tham quan quần thể hơn 20 đảo “trôi nổi” giữa hơn 4.000 ha mặt nước  và các hang động còn dấu tích của những năm tháng chiến tranh ác liệt...

 

Với hệ thống các danh thắng, hang động, thác nước tương đối lớn chưa được khai thác như một điểm du lịch sinh thái do điều kiện giao thông, hạ tầng du lịch còn nhiều bất cập, có thể nói tiềm năng của loại hình du lịch sinh thái ở tỉnh ta là rất lớn. Nhưng có lẽ tạm gác lại những điểm thắng tích còn ở dạng “tiềm tàng” này, vấn đề cần quan  tâm là hiệu quả khai thác cần phải song hành với tiềm năng từ các điểm du lịch đã có trong “Sổ tay” của du khách mà ta vừa điểm qua. Mỗi năm Thanh Hóa đón hàng triệu khách du lịch nhưng đa số tập trung ở Sầm Sơn vào mùa hè. Bản thân đô thị du lịch này cũng chỉ thỏa mãn được một phần nhu cầu nghỉ ngơi, vui chơi của du khách. Nhiều dự án xây dựng hạ tầng du lịch đang “tạm gác” không thời hạn do vô số lý do mà Khu du lịch Hải Tiến là một ví dụ. Các điểm du lịch sinh thái rõ ràng có rất nhiều lợi thế về tính độc đáo, đẹp, đa dạng, có sức hút đối với du khách nhưng khách tham quan tìm đến khá khiêm tốn... Đó là thực trạng ngành du lịch đang phải đối mặt. Lý giải cho thực trạng ấy có hàng chục lý do lớn nhỏ. Đó là kiến thức và năng lực quản lý du lịch của các ban quản lý cấp huyện, xã và đội ngũ cán bộ chuyên trách còn hết sức hạn chế. Điều này tất yếu dẫn đến nhiều hiện tượng hay cách làm khiến du khách chưa thật hài lòng mỗi mùa du lịch. Chẳng hạn việc đặt quá nhiều trạm thu phí ở suối cá Cẩm Lương chưa hẳn là cách làm phù hợp. Thay vì để một đơn vị vừa quản lý bảo dưỡng, vừa khai thác cầu treo để thuận cho việc giám sát và điều tiết lượng vé bán ra cho phù hợp thì việc giao cho một đơn vị quản lý, một đơn vị khai thác như hiện nay đã dẫn đến tình trạng ùn tắc hàng giờ trên cầu, gây không ít khó chịu cho du khách. Việc lồng ghép các chính sách phát triển toàn diện có sự phối hợp giữa các ngành du lịch, quốc phòng, nông - lâm nghiệp thực hiện chưa tốt dễ dẫn đến chồng chéo, lãng phí trong quản lý, khai thác tại các điểm du lịch. Ngành du lịch hiện vẫn thiếu một doanh nghiệp đủ lực làm đầu tầu trong lĩnh vực kinh doanh du lịch, tạo tiền đề cho du lịch phát triển theo hướng xã hội hóa, bởi vẫn chưa có chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích đầu tư cho du lịch...

 

Với mục đích tạo “cú hích” thu hút khách du lịch đến Thanh Hóa, Chủ tịch UBND tỉnh đã ra Quyết định 311/QĐ-UBND ngày 4-2-2009 về việc “Phê duyệt danh mục các chương trình xúc tiến du lịch năm 2009” gồm 9 nội dung: Tổ chức sự kiện, hội chợ, quảng bá, thay mới các panô, xuất bản ấn phẩm về du lịch Thanh Hóa, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, khảo sát thị trường, tổ chức “Trung tâm thông tin du lịch tại Sầm Sơn” và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực.

Nguồn: Báo Thanh Hóa

Cùng chuyên mục