Hoạt động của ngành

Du lịch Ðiện Biên: ngày càng khởi sắc

Cập nhật: 06/05/2009 14:43:20
Số lần đọc: 2486
Theo tiếng của đồng bào dân tộc Thái, Mường Then nghĩa là Mường Trời. Ðây cũng là tên gọi xưa và phổ biến nhất của địa danh Ðiện Biên Phủ. Theo di chỉ khảo cổ học, các cổ vật, công cụ sản xuất bằng đá được tìm thấy tại vùng U Va; đồ gốm, đồ đồng (trống đồng Mường Thanh), thì Mường Thanh là nơi sinh sống của con người từ hàng nghìn năm, nền văn minh lúa nước nơi đây còn hiện hữu trên những hạt gạo hóa thạch.

Tên Ðiện Biên Phủ có từ năm Tân Sửu (1841) do vua Thiệu Trị đổi từ châu Ninh Biên. Trong sách "kiến văn tiểu lục" nhà bác học Lê Quý Ðôn đã phác họa đất Mường Thanh: "Thế núi vòng quanh, ruộng đất bằng phẳng, màu mỡ... công việc làm ruộng bằng nửa công việc các châu khác mà số hoa lợi thu gấp đôi". Thế kỷ thứ 18 triều đình phong kiến suy tàn, không kiểm soát được Tây Bắc, nhân cơ hội đó, giặc Phẻ tràn sang đánh chiếm Mường Thanh. Hoàng Công Chất, thủ lĩnh nông dân vùng Sơn Nam kéo quân lên phối hợp với đồng bào ở Mường Thanh, đánh đuổi ngoại xâm giải phóng Mường Thanh vào những ngày đầu tháng 5 năm 1754 (lưu bia tại đền Hoàng Công Chất). Tròn hai trăm năm sau, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, Bác Hồ, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng Ðiện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", ghi thêm một mốc son trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Trận thắng này được ví như một Bạch Ðằng, một Chi Lăng, hay một Ðống Ða trong thế kỷ 20.

 

Trong lòng thành phố, quần thể di tích lịch sử chiến thắng Ðiện Biên Phủ thực sự là một tài nguyên du lịch lịch sử vô giá, "mỏ vàng" của ngành du lịch, hiện đã và đang được tiến hành các hoạt động bảo tồn, tôn tạo, nhằm phát huy giá trị lịch sử của nó trong việc giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ người Việt Nam và biểu dương tinh thần đoàn kết chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta với du khách quốc tế.

 

Bên cạnh đó, nơi đây còn có một nền văn hóa phi vật thể và vật thể, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc ở Ðiện Biên. Những điệu xòe, những làn điệu dân ca mộc mạc nhưng đằm thắm. Ðặc biệt nơi đây, trong nhân dân còn truyền khẩu những câu thơ cổ trong Trường ca Sóng trụ xôn xao; những lễ hội như Hạn khuống, Kin lẩu nó, Kin pang then và nhiều món ăn mang đậm hương vị sơn dã, những hang động mang những vẻ đẹp huyền bí tựa như một bể "trầm tích" khổng lồ chưa được khai thác và luôn tạo sự hiếu kỳ cho du khách.

 

Không chỉ bó gọn trong cộng đồng người Thái, Ðiện Biên đang có chủ trương đưa chương trình bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vào các vùng đồng bào dân tộc anh em khác như Mông, Khơ Mú, Lự, Lào... Ðiều đó cho thấy, du lịch ở Ðiện Biên thật sự là một trong những tiềm năng quý giá giúp tỉnh đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo cho nhân dân.

 

Từ bãi chiến trường xưa, Ðảng bộ, chính quyền, quân và dân trong tỉnh đã và đang tập trung mọi nỗ lực xây dựng Ðiện Biên, trong đó thành phố Ðiện Biên Phủ có vị trí quan trọng, thành địa chỉ, điểm đến tin cậy của ngành du lịch. Ðiều đó đang từng bước hình thành, khẳng định mình để tương xứng với tầm vóc "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam. Các sản phẩm mang tên "Du lịch Ðiện Biên" tạo ấn tượng cho du khách: một số tour du lịch nội địa, đồ lưu niệm, gạo Ðiện Biên...

 

Hệ thống quốc lộ từ Hà Nội theo hướng Lào Cai - Lai Châu - Ðiện Biên đã được nâng cấp êm thuận trong các điều kiện thời tiết. Tuyến quốc lộ 6A đã và đang xây dựng được mở rộng, nâng cấp theo tiêu chuẩn đường cấp 4; Sân bay Ðiện Biên Phủ được đầu tư nâng cấp thành sân bay quốc tế. Cửa khẩu Tây Trang nối liền với nước bạn Lào được Chính phủ cho phép áp dụng khu kinh tế cửa khẩu và đang nghiên cứu đầu tư nâng cấp trở thành cửa khẩu quốc tế... Những năm qua, Ðiện Biên đã đón hàng trăm nghìn lượt du khách trong nước, quốc tế (riêng năm 2008 đón 230 nghìn, trong đó gần 30 nghìn khách quốc tế) đến tham quan, nghiên cứu về mảnh đất anh hùng.

 

Ðảng bộ tỉnh Ðiện Biên khóa 11 có Nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch dịch vụ và kinh tế cửa khẩu mở ra cơ hội mới cho ngành du lịch địa phương tăng tốc. Từ chỗ không có một khách sạn, điểm vui chơi giải trí nào, hoạt động du lịch còn sơ khai, thì ngày nay trên địa bàn tỉnh đã có hơn 38 khách sạn, với 780 phòng nghỉ sang trọng. Từ thành phố Ðiện Biên Phủ, du khách có thể tỏa đi các điểm du lịch sinh thái ở các vùng phụ cận: suối nước khoáng nóng Pe Luông, U Va; hồ Pa Khoang, Huổi Phạ; Hồng Khếnh, Pe Luông; khu rừng Mường Phăng, động Pa Thơm, tháp Mường Luân... và tham quan, tìm hiểu nét đẹp truyền thống bản làng văn hóa các dân tộc. Du lịch Ðiện Biên từng bước khẳng định vị trí, là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, với doanh thu dịch vụ du lịch mỗi năm đạt hàng chục tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động trực tiếp, gián tiếp, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo.

 

Hiện nay, tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ và bảo đảm tốt chất lượng việc thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng các khu du lịch, trong đó tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện năm dự án bảo tồn và tôn tạo các di tích phục vụ cho đại lễ kỷ niệm như: Cụm tượng đài Công viên chiến thắng Mường Phăng; di tích Ðường kéo pháo và trận địa pháo của bộ đội trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ; Tượng đài chiến thắng Ðiện Biên Phủ giai đoạn 2; khu trung tâm đề kháng Him Lam...

 

Tỉnh Ðiện Biên hết sức quan tâm nâng cao chất lượng quản lý, đào tạo, phát triển đội ngũ hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp; khuyến khích các nhà đầu tư vào địa bàn liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư phát triển du lịch; tăng cường xúc tiến thương mại, du lịch ra nước ngoài. Việc đầu tư nâng cấp hạ tầng cơ sở để khai thác lợi thế cửa khẩu: Tây Trang, Na Son - Huổi Puốc (Lào); A Pa Chải, Mường Nhé (Ðiện Biên, Việt Nam) - Long Phú (Vân Nam, Trung Quốc) nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu và du lịch. Tỉnh cũng phối hợp với Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam nâng cấp sân bay Ðiện Biên Phủ và tổ chức đường bay quốc tế theo quyết định của Chính phủ; nghiên cứu phương án khai thác thế mạnh du lịch đường thủy tham quan lòng hồ khi thủy điện Sơn La đưa vào sử dụng.

Nguồn: website Nhân dân

Cùng chuyên mục