Hoạt động của ngành

Vân Đồn (Quảng Ninh): Trung tâm du lịch sinh thái, biển đảo cao cấp

Cập nhật: 28/04/2009 10:54:52
Số lần đọc: 2991
Không chỉ được biết đến là một địa điểm du lịch biển, đảo đặc sắc với hơn 600 hòn đảo lớn nhỏ và những danh lam thắng cảnh kỳ thú, huyện đảo Vân Đồn còn được nhiều du khách thích thú đến tìm hiểu về du lịch văn hoá tâm linh với những dấu ấn của một thương cảng sầm uất bậc nhất một thời, hay những đền thờ các vị tướng tài của dân tộc.

Tuy nhiên, do những hạn chế về mặt địa lý cũng như việc đầu tư cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng đủ yêu cầu nên du lịch Vân Đồn chưa có bước bứt phá xứng với tiềm năng, thế mạnh. Để thay đổi điều này, trong những năm gần đây Vân Đồn không ngừng được đầu tư nâng cấp cả về cơ sở vật chất cũng như hạ tầng. Đặc biệt, sau khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 786 phê duyệt Đề án phát triển kinh tế - xã hội Khu kinh tế Vân Đồn thì mục tiêu xây dựng Vân Đồn trở thành khu trung tâm du lịch biển đảo chất lượng cao đã không còn xa nữa.

Trong 3 năm trở lại đây, huyện Vân Đồn đã không ngừng đầu tư kinh phí để nâng cấp, cải tạo và hoàn thiện nhiều tuyến đường chính cũng như cải thiện hệ thống thông tin liên lạc. Một trong hai tuyến đường quan trọng của Vân Đồn đã hoàn chỉnh và đi vào hoạt động, đó là: đường từ huyện đảo ra quốc lộ 18A và tuyến đường 334, đoạn từ cầu Vân Đồn đến thị trấn Cái Rồng. Ngoài ra, ở hầu hết các xã đảo nhiều con đường đã được nhựa hoá, bê tông hoá; các bến cập tàu cũng được đầu tư xây dựng…. tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân. Tại thị trấn Cái Rồng các tuyến xe khách liên tỉnh, liên huyện hoạt động liên tục; tuyến xe buýt từ trung tâm du lịch Bãi Cháy đến khu du lịch Bãi Dài đã đáp ứng kịp thời nhu cầu đi lại của nhân dân từ các địa phương khác đến Vân Đồn và ngược lại. Cùng với giao thông, hệ thống thông tin liên lạc trên huyện đảo đã được thông suốt, không còn tình trạng mất sóng, hay nghẽn sóng như trước đây nữa.

Nhằm đáp ứng tốt hơn về nhu cầu ăn, nghỉ của khách du lịch, các khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn huyện đều đã và đang được đầu tư nâng cấp. Tính đến nay toàn huyện đã có khoảng 50 cơ sở lưu trú với trên 640 phòng nghỉ; các bãi tắm có đầy đủ dịch vụ ăn uống, điểm vui chơi thể thao như chèo thuyền, dù bay, bóng chuyền bãi biển... Hướng tới một trung tâm du lịch mang đẳng cấp, huyện đảo còn chú trọng phát triển một số ngành nghề, trong đó có nghề nuôi trồng thuỷ hải sản đang rất phát triển. Với những mô hình này, không những đem lại nguồn kinh tế đáng kể cho người dân mà còn từng bước tạo ra một thị trường nguyên liệu sạch phục vụ cho nhu cầu của ngành Du lịch.

Đầu tháng 10/2008, Tập đoàn Giải pháp toàn cầu thiên niên kỷ (MIGS) đã có báo cáo phương án lập quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Đồn lần thứ nhất với tầm nhìn phát triển Khu Kinh tế Vân Đồn trở thành trung tâm thương mại, tài chính, du lịch hàng đầu Việt Nam. Bản báo cáo đã đề ra một số mục tiêu cụ thể như: thiết lập và phát triển Vân Đồn trở thành điểm đến du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao và khu vui chơi giải trí cao cấp; xây dựng sân bay quốc tế hiện đại phục vụ sự phát triển của Quảng Ninh và các tỉnh phía Bắc; thiết lập một cảng biển hiện đại phục vụ chủ yếu cho du lịch và dịch vụ; thiết lập định hướng lâu dài hướng tới sự bền vững; củng cố an ninh và bình ổn trong khu vực; thúc đẩy sự phát triển kinh tế của vùng Đông Bắc nói chung cũng như tỉnh Quảng Ninh nói riêng… Có thể nói, những phác thảo trong hành trình Vân Đồn hướng tới trung tâm du lịch cao cấp đã ngày một rõ nét hơn. Từ đây theo đề xuất của nhà đầu tư trên đảo Cái Bầu xây dựng sân bay quốc tế, khu kinh doanh trung tâm, khu nghỉ dưỡng phức hợp, cảng thương mại; có đảo công viên quốc gia; đảo Bản Sen và Trà Ngọ làm du lịch sinh thái; đảo Thắng Lợi làm khu nghỉ dưỡng, cảng cầu cá kết hợp du lịch sinh thái; đảo Cảnh Cước là khu di tích lịch sử, bảo tồn rùa biển; đảo Ngọc Vừng phát triển khu nghỉ dưỡng… Với mục đích khai thác bãi biển đẹp tại các đảo trên Khu kinh tế nên mạng lưới giao thông sẽ được thiết kế liên hoàn giữa các khu chức năng trên đảo, quy mô đường trên các đảo được thiết kế nhỏ vừa phải (2 làn xe) nhưng có khoảng lùi xây dựng lớn. Đối với đảo Cái Bầu sẽ xây dựng mới 2 cầu chính gồm cầu Vân Tiên nối sang khu vực Mũi Chùa (Tiên Yên) và cầu Đoàn Kết nối sang khu vực Mông Dương (Cẩm Phả). Ngoài ra theo quy hoạch này còn có hệ thống đường sắt từ tuyến Lạng Sơn - Tiên Yên qua đảo Cái Bầu dọc theo hành lang tuyến đường vòng đảo và kết nối với đường sắt đi Hạ Long. Có tuyến cáp treo từ đảo Cái Bầu ra đảo Trà Ngọ kết hợp xây dựng các công viên chủ đề ở cả 2 đảo để khai thác hiệu quả hơn tuyến cáp treo này… Trong một tương lai không xa khi Khu kinh tế đã hoàn chỉnh, Vân Đồn sẽ là điểm đến hấp dẫn đối với du khách, đặc biệt là du khách đến từ Trung Quốc, Đông Nam Á, Ấn Độ, Nhật Bản, Nga và vùng Trung Đông.

Để hướng tới một Trung tâm du lịch cao cấp xứng tầm, Vân Đồn còn rất nhiều việc cần làm. Tuy nhiên, với những gì đã và đang đạt được, tin rằng trong tương lai không xa, cái tên Vân Đồn sẽ trở nên quen thuộc đối với nhiều du khách trong và ngoài nước trong các hành trình du lịch đặc sắc.

Nguồn: website báo Quảng Ninh

Cùng chuyên mục