Bắc Ninh: Phục dựng và phổ biến sinh hoạt văn hóa Quan họ trong cộng đồng
Trước đây, nghề chơi Quan họ ở Đào Xá cũng sôi nổi, rực rỡ với đầy đủ lề lối. Nhưng, sau nhiều năm tháng phát triển, người chơi Quan họ xưa kia mất dần, sinh hoạt Quan họ ở Đào Xá lắng xuống trong một thời gian dài. Đến năm 2002, Hội Người cao tuổi Đào Xá mới khơi dậy và thành lập CLB Quan họ với mong muốn khôi phục nét đẹp văn hoá truyền thống đặc sắc, độc đáo của quê hương, đồng thời để Quan họ được sống lại trong cộng đồng làng xóm. Từ đó, các thành viên trong CLB Quan họ hoạt động tích cực, thường xuyên gặp gỡ, giao lưu với những CLB Quan họ bạn, tổ chức các canh hát phục vụ bà con trong thôn và khách du lịch. Nghệ nhân thì dốc lòng tận tuỵ với việc truyền thụ, dạy dỗ cháu con. Nhiều lớp dạy hát Quan họ được tổ chức, buổi đầu một số con em trong làng cũng đến học nhưng chỉ được thời gian ngắn, thuộc đôi ba bài là lại bỏ do phải đi làm, đi học… Kết quả, sau nhiều năm nỗ lực, chỉ có một bộ phận nhỏ người dân trong thôn cảm thấy mặn mà với Quan họ mà chủ yếu lại là người cao tuổi.
Cuối tháng 3 vừa qua, các thành viên trong CLB Quan họ Đào Xá đã trở về với cội nguồn bằng việc tái hiện lại nhịp sống của ông cha cách đây vài chục năm. Một canh hát Quan họ cổ được tổ chức trình diễn lại theo đúng trình tự, lề lối của người chơi Quan họ xưa kia: các liền anh, liền chị xúng xính trong trang phục Quan họ, ra tận đầu làng đón khách với câu hát chúc, hát mừng. Tiếp đến, chủ mời khách vào nhà chứa, hát mời trầu, mời nước rồi mời cơm Quan họ. Khi cơm nước xong xuôi, hai bên bắt đầu bước vào các canh hát thâu đêm. Bên cạnh sinh hoạt Quan họ, một số liền chị còn tiến hành trình diễn các bước làm món cháo cái và bánh cắp. Đó là hai món đặc trưng, không thể thiếu trong mâm cỗ mời khách của làng Đào Xá trước đây. Và cứ thế, mọi lời ca, giọng hát, hình ảnh hoạt động của các liền anh, liền chị cho đến từng công đoạn xay, giã gạo, ngào bột, nấu cháo cái, hấp bánh cắp… đều được tái hiện lại giữa một không gian xưa, cổ kính, rêu phong của cây đa, mái đình, sân gạch, nếp nhà cũ… Tất cả hoạt động, không khí mà gần 30 thành viên trong CLB Quan họ Đào Xá tái hiện và trình diễn trong suốt 2 ngày được thu băng, ghi hình chi tiết, đầy đủ. Sau đó được biên tập và phát trên sóng Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC1 với thời lượng 30 phút. Ông Nguyễn Tuấn Hợp, Chủ nhiệm CLB Quan họ Đào Xá và cũng là một trong số ít nghệ nhân Quan họ còn sống ở Đào Xá hiện nay cho biết: “Sau khi xem những thước phim phản ánh về những nét hoạt động sinh hoạt văn hoá Quan họ đặc trưng, riêng có của Đào Xá trên truyền hình, người dân trong làng ai cũng tâm đắc, phấn khởi. Đến đâu bà con cũng xôn xao, trầm trồ kể với vẻ hãnh diện, tự hào. Ngay sau đó, hơn 100 đĩa VCD bản sao của chương trình phát sóng đó được in ra để tặng cho các hộ dân xem và lưu giữ... Đặc biệt, giới trẻ đã cảm nhận và hiểu sâu sắc hơn về các giá trị của văn hoá Quan họ. Từ đó mỗi người sẽ tự ý thức được trách nhiệm gìn giữ, phát huy văn hoá truyền thống quý báu của quê hương. Hiệu quả từ phương pháp này khiến chúng tôi thật sự bất ngờ”.
Rõ ràng, mô hình bảo tồn và phát huy văn hoá Quan họ mà CLB Quan họ Đào Xá áp dụng là không mới, cũng giống mô hình mà nhiều làng Quan họ khác đã thực hiện. Nhưng khác biệt và sáng tạo là ở chỗ, những thước phim sau đó sẽ được chắt lọc và phát trên sóng truyền hình, như thế vừa giới thiệu với đông đảo công chúng về nét đặc trưng, khác biệt, riêng có của Quan họ Đào Xá vừa tác động, khơi dậy lòng tự trọng, tự hào của chính người dân trong thôn. Hy vọng, rồi đây, người dân Đào Xá sẽ ngày càng thêm yêu mến Quan họ để sức sống Quan họ được tiếp mãi trong cộng đồng xã hội hiện đại.