Hà Giang: Nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú, nhà hàng để phát triển du lịch bền vững
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển đã xuất hiện một số khó khăn, thách thức đòi hỏi cần phải có những giải pháp cụ thể nhằm giúp cho ngành du lịch phát triển bền vững.
Nằm trong tuyến du lịch gồm: Lào Cai – Hà Giang – Cao Bằng và là điểm cuối của tuyến Hà Nội – Vĩnh Phúc, Phú Thọ – Tuyên Quang – Hà Giang, vì thế tỉnh ta được đánh giá là điểm đến mới khá hấp dẫn. Thấy được ưu thế ấy, BCH Đảng bộ tỉnh đã có Nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch Hà Giang đến năm 2015, được UBND tỉnh cụ thể hóa thành chương trình hành động, vạch ra mục tiêu, lộ trình thúc đẩy du lịch phát triển. Nhờ đó, hoạt động xúc tiến du lịch những năm qua đã đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu và quảng bá về hình ảnh vùng đất và con người Hà Giang. Năm 2008, Hà Giang đã đón một lượng khách lên đến 188.091 lượt người, trong đó khách nội địa 138.646 lượt, khách quốc tế 49.445 lượt. Bước sang năm 2009, mặc dù gặp khó khăn do suy thoái kinh tế nhưng gần 5 tháng qua, lượng khách đến Hà Giang đạt 79.283 lượt người. Từ đó cho thấy, Hà Giang đang trở thành một điểm đến hấp dẫn.
Đáp ứng nhu cầu du lịch ngày một tăng, hệ thống CSLT,NH đã và đang được đầu tư xây dựng với tốc độ khá nhanh. Tính đến tháng 5/2009, trên địa bàn toàn tỉnh có 98 CSLT với 27 khách sạn, 71 nhà nghỉ với 1.003 phòng. Trong đó, có 2 khách sạn đạt tiêu chuẩn 2 sao, 8 khách sạn đạt tiêu chuẩn 1 sao. Hệ thống nhà hàng ăn uống, đặc biệt là tại thị xã Hà Giang, Vị Xuyên, Bắc Quang, Đồng Văn, Mèo Vạc… được mở khá nhiều và đang từng bước đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Một số doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư phát triển du lịch sinh thái như khu du lịch sinh thái Trường Xuân, Thạch Lâm Viên (thị xã Hà Giang), Panhou (Hoàng Su Phì), Nậm An (Bắc Quang)… gắn du lịch với nghỉ dưỡng và ẩm thực, trở thành một hướng đi đúng ở Hà Giang. Một vài năm trước đây lượng khách đến Hà Giang ít, chủ yếu là khách đi công tác kết hợp với đi du lịch thì nay đa phần khách đến với Hà Giang là đi du lịch đơn thuần theo các tua, đoàn. Từ đó, chứng tỏ hệ thống cơ sở phục vụ du lịch cũng đã đáp ứng được phần nào nhu cầu của du khách.
Lượng khách đến với Hà Giang không ngừng gia tăng, đặc biệt vào các dịp lễ hội, đợt nghỉ dài ngày, do đó dẫn đến tính trạng nhiều nơi như Đồng Văn, Mèo Vạc, thị xã Hà Giang, Quản Bạ… không thể đáp ứng đủ CSLT,NH. Từ đó, có thể thấy một thực trạng đầu tư xây dựng CSLT,NH trong thời gian qua chủ yếu là tự phát, thiếu sự quy hoạch cụ thể, phần lớn các cơ sở tự thiết kế mà không có sự tư vấn chuyên môn, do vậy, chất lượng còn thấp. Hiện nay Hà Giang còn rất thiếu các CSLT chất lượng từ 2 - 3 sao. Tại thị xã Hà Giang, trung tâm phân phối khách đi các huyện cho đến nay cũng mới chỉ có 2 khách sạn 2 sao. Hệ thống nhà hàng tuy nhiều nhưng cũng chỉ có khoảng 4 nhà hàng có quy mô, nhưng chất lượng phục vụ còn chưa cao nên không đủ đáp ứng nhu cầu, đặc biệt là khách có khả năng chi trả cao.
Đối với nhân lực, hiện nay tổng số lao động trong ngành du lịch Hà Giang là 753 người, trong đó có 430 người chưa qua đào tạo chuyên ngành và chỉ có 12% biết ngoại ngữ. Trong số này, lực lượng phục vụ trong các CSLT, NH là 470 người. Thông tin từ phòng Nghiệp vụ du lịch – Sở VHTT&DL cho biết: Mặc dù cơ quan chức năng của tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng phục vụ nhưng do nhận thức của người sử dụng lao động cho rằng phục vụ khách sạn là nghề đơn giản, không phải là nghề lâu dài nên đã không tạo điều kiện cho nhân viên đi tập huấn… Do đó, nhân viên ở tất cả các khâu của quá trình phục vụ đều thiếu kiến thức chuyên môn, không biết làm hoặc làm không đúng quy trình cơ bản.
Nhìn chung, hệ thống CSLT,NH trên địa bàn tỉnh hầu hết chỉ cung cấp dịch vụ nghỉ, chưa cung cấp dịch vụ cơ bản khác theo quy định (kể cả với khách sạn hạng sao), trong đó bao gồm các dịch vụ tối thiểu như: Quầy bar, phòng ăn lớn, nhỏ, phục vụ ăn cho khách 3 bữa/ngày, phòng hội thảo, hội nghị, quầy hàng lưu niệm và giới thiệu sản phẩm. Đối với những CSLT nhỏ và trung bình có thể thấy, nhiều cơ sở trang thiết bị, dụng cụ chưa được đầu tư đầy đủ ngay từ ban đầu. Một số trang thiết bị đã được đầu tư nhưng sau một thời gian đi vào hoạt động đã xuống cấp, hư hỏng nhưng không được sửa chữa, bổ sung kịp thời. Việc bố trí phòng nghỉ cũng chưa khoa học, thiếu thốn, diện tích phòng nhiều nơi quá hẹp… Đối với hệ thống nhà hàng, đa phần là nhà hàng quy mô vừa và nhỏ, phục vụ các món ăn thông thường, chưa đủ điều kiện về trang thiết bị, kỹ thuật chế biến và phục vụ các đối tượng khách có khả năng chi trả cao… Trong khi đó, do ít hoặc không được tập huấn về nghiệp vụ nên trình độ kỹ năng phục vụ của đội ngũ nhân viên chưa thể đáp ứng được yêu cầu… Với lượng khách đang tăng lên từng ngày trong khi các CSLT,NH, nhà hàng còn nhiều hạn chế trong việc đáp ứng nhu cầu của khách, từ đó du lịch Hà Giang đang đứng trước những thách thức lớn đòi hỏi phải có những giải pháp nhằm từng bước giải quyết vấn đề này.
Với chức năng của mình, Sở VHTT&DL cùng với các cơ quan chức năng, các địa phương đã tích cực tham mưu, đề xuất cũng như đã đẩy mạnh việc quảng bá, xúc tiến và nâng cao chất lượng phục vụ của ngành du lịch. Qua đó, từng bước nâng cao sức cạnh tranh, đẩy mạnh hội nhập, phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Giai đoạn từ nay đến 2015, mục tiêu quy hoạch của tỉnh là xây dựng từ 3 – 4 khách sạn quy mô từ 3 – 4 sao; khuyến khích việc đầu tư phát triển CSLT,NH tại các địa phương có tiềm năng du lịch như Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ, Bắc Mê… Đầu tư hỗ trợ xây dựng các làng văn hóa du lịch cộng đồng nhằm phát triển dịch vụ lưu trú, ăn nghỉ trong dân hoàn chỉnh để kéo dãn và giảm tải cho các nhà nghỉ, khách sạn đang ngày một đông khách. Khuyến khích phát triển làng nghề, sản xuất các sản phẩm du lịch; đào tạo, bồi dưỡng lực lượng lao động…
Để nâng cao chất lượng phục vụ, trong thời gian tới, ngành du lịch cần tiến hành thẩm định lại toàn bộ CSLT có từ 10 phòng trở lên nhằm rà soát, đánh giá lại chất lượng, kiên quyết hạ hạng, cấp đối với các CSLT không đảm bảo yêu cầu đối với từng loại hạng. Hỗ trợ và hướng dẫn các cơ sở kinh doanh áp dụng các biện pháp nâng cao chất lượng phục vụ; tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lí; tổ chức xét chọn nhà hàng, điểm mua sắm, dịch vụ ẩm thực đạt chuẩn phục vụ khách du lịch để khuyến khích nâng cao chất lượng phục vụ, giúp du khách có cơ sở để lựa chọn và quyết định điểm dừng trong chuyến đi. Phối hợp với ngành chức năng tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh các hoạt động kinh doanh không lành mạnh, kém bền vững…
Tỉnh cần khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư đúng hướng vào du lịch, có sự quản lí thống nhất của Nhà nước. Kêu gọi sự đầu tư của các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh và ngoài nước vào xây dựng các CSLT,NH. Tăng cường phát triển các loại hình khách sạn, nhà hàng cao cấp để thu hút khách du lịch có khả năng chi trả cao. Các tổ chức, cá nhân cũng cần tự giác và nghiêm chỉnh tuân thủ các quy định của Nhà nước, của địa phương trong lĩnh vực kinh doanh CSLT,NH. Thường xuyên có sự bổ sung, trang bị các thiết bị phục vụ khách, đảm bảo tuân thủ điều kiện loại hạng đã được công nhận.
Đối với các CSLT,NH cần chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ phục vụ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; năng động tìm tòi và phát huy các món ăn truyền thống, đặc sản của địa phương… Để xây dựng một ngành du lịch chuyên nghiệp, bên cạnh chú trọng phát triển số lượng phải chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ ở các CSLT,NH, đáp ứng nhu cầu đang ngày càng phát triển, làm cho Hà Giang ngày càng được biết đến nhiều hơn không chỉ về cảnh quan thiên nhiên, giá trị nhân văn mà còn cả ở sự phục vụ chu đáo của hệ thống phục vụ du lịch chuyên nghiệp.