Những tour khó quên tại quần đảo An Thới - Phú Quốc
Du khách đến đảo Phú Quốc, ngoài những điểm tham quan trên đảo chính như: dinh Cậu, làng chài Hàm Ninh, bãi Sao, suối Tranh, suối Đá Bàn, bãi Trường, rừng nguyên sinh, Gành Dầu…, còn tìm thấy những cảm giác mới lạ, khoáng đạt với những tour câu cá, câu mực, lặn ngắm san hô tại khu vực quần đảo An Thới này.
Từ lặn ngắm san hô, câu đậu…
Một ngày đẹp trời, bỏ lại những căng thẳng, ưu tư của cuộc sống thường nhật trên bờ cảng An Thới, du khách xuống thuyền ra biển. Tàu rẽ sóng qua kinh 1, kinh 2, cảng An Thới khuất dần sau lưng, du khách như bị hớp hồn trước cảnh biển trời nơi đây. Biển xanh ngắt một màu, mơn man sóng nhẹ ôm lấy những hòn đảo hoang cô độc. Đây đó những khối đá, những nhành cây khô hình thù lạ mắt vươn dài ra mép sóng, Những con đại bàng biển – người dân địa phương gọi là chim báo bão, vươn đôi cánh mạnh mẽ lượn quanh tàu. Tàu đến bãi Đá Trào - nằm ở rìa của hòn Thơm, nơi đá “trào” ra bờ đảo như tên gọi của nó. Chung quanh bãi Đá Trào là những rặng san hô nằm sát bờ nước nông, phù hợp cho những cuộc lặn ngắm san hô nghiệp dư, không cần trang bị bình hơi chuyên nghiệp. Chỉ cần biết bơi và một kính lặn là du khách có thể hoà mình vào thế giới rực rỡ, huyền ảo muôn màu của rặng san hô. Từ trên tàu thả mình vào dòng nước trong vắt, bơi len lỏi quanh bãi Đá Trào, ngắm nhìn san hô, hải quỳ, những loài cá đủ màu sắc sẽ là một kỷ niệm khó quên cho du khách.
Rời khỏi rặng san hô của bãi Đá Trào, tàu sẽ đưa du khách đến khu vực câu cá. Tại khu vực này, vào ban ngày, sẽ có hai dịch vụ câu cá cho du khách lựa chọn: “câu đậu” và “câu chạy”.
Câu đậu phù hợp với những đoàn khách đông, nhiều phụ nữ, trẻ em, không chịu được sóng lớn. Tài công sẽ lái tàu tìm điểm câu thích hợp. Việc tìm điểm câu cũng là một nghệ thuật, đòi hỏi tài công phải có kinh nghiệm và khả năng quan sát, nắm bắt tình huống tốt. Biển rộng mênh mông, không phải nơi nào cũng có cá. Cá thường sống quần tụ tại những rặng san hô (đôi khi diện tích chỉ khỏang vài chục mét vuông) và nhiệm vụ của tài công là neo tàu ngay trên những rặng san hô ấy. Một gốc cây khô, một đỉnh núi trơ trọi… trên các đảo hoang sẽ được tài công nối lại với nhau bằng những đường vẽ tưởng tượng trong đầu. Bằng kinh nghiệm cha truyền con nối, họ sẽ xác định được điểm câu tại giao điểm của những đường vẽ tưởng tượng ấy.
Neo tàu xong, công việc còn lại của du khách rất đơn giản: buông câu và hồi hộp chờ. Dụng cụ câu đơn giản: ống cước, chì, lưỡi câu, một miếng mực xắt mỏng làm mồi. Du khách buông mồi chạm đáy, gác nhẹ dây câu lên ngón trỏ, đợi cảm giác “tưng tưng” trên ngón tay do cá ăn là kéo. Chiến lợi phẩm của những cuộc câu đậu này chủ yếu “vui là chính” với những chú cá mú, cá tràm, cá đổng vài ngón tay. Có du khách đùa: “Cá câu đậu hầu như chỉ vừa tốt nghiệp mẫu giáo, cá biệt có con còn đang ôm bình sữa”. Tuy nhiên, nhỏ thì nhỏ, nhưng chụp hình kỷ niệm vẫn rất đẹp, chiên xù hay nướng vẫn ngon… Đến bữa trưa, tàu vẫn bồng bềnh trên sóng nước, du khách được thưởng thức một bữa trưa dã ngọai ngay trên tàu với những chiến lợi phẩm do chính tay mình đánh bắt được. Đến chiều, tàu lại đưa du khách tham quan mũi Ông Đội, giếng Tiên, bãi Sao…
Đến câu chạy, câu mực!
Những du khách nào đã qua một tour ngắm san hô, câu đậu mà vẫn thấy “chưa đủ đô” thì có thể tìm đến với cảm giác mạnh của tour “câu chạy”. Tham gia tour này, du khách sẽ có dịp “chiến đấu” với những chú cá săn mồi lọai lớn như: cá nhồng, cá thu, cá bớp có trọng lượng từ vài ký trở lên. Tàu sẽ vuợt qua hòn Thơm, tìm đến những vùng nước xa tuyệt đẹp quanh hòn Móng Tay, hòn Rỏi… Với mức ga nhỏ nhất, tàu chậm chậm lướt đi bên trên những rặng san hô, những rặng đá, nơi các chú cá săn mồi đói bụng đang ẩn mình. Kéo theo sau tàu lúc này là những đường câu với các chú cá bạc má khỏang gang tay mang trong mình ba chiếc lưỡi câu làm mồi. Cá săn mồi thấy cá bạc má được tàu kéo sẽ tưởng là cá sống đang bơi nên đuổi theo đớp.
Trong lúc chờ cá đớp mồi, du khách có thể thả hồn theo sóng nước, theo những đảo hoang chập chờn phía xa, theo những cánh chim báo bão lượn lờ. Và đột ngột, dây câu căng vút mang theo cả cái giật thót tim của du khách. Cá đã cắn câu! Lúc này sẽ bắt đầu một cuộc đấu sức, đấu trí giữa du khách và con cá xấu số. Cá kéo mạnh thì người nhường, cá mệt thì người kéo. Du khách sẽ không thể nào quên được cảm giác hồi hộp căng thẳng lúc này. Con cá lúc thì cắm đầu xuống đáy, lúc lại tung mình lên khỏi mặt nước để dãy thóat lưỡi câu… Mười lăm phút là thời gian trung bình để đưa một chú cá khỏang 5 kg cặp sát mạn thuyền. Một cái câu móc đã chờ sẵn. Ông chủ tàu một tay móc câu móc vào mình cá, tay kia cầm chày gỗ nện một phát thật lực vào đầu cá. Du khách chưa kịp ngạc nhiên vì hành động này thì đã nhận được lời giải thích: “Cá nhồng rất hung dữ và có bộ răng rất sắc. Không chết, nếu tuột khỏi lưỡi câu, nó sẽ đụng gì cắn nấy.” Vừa nói, ông chủ tàu vừa “hù” du khách bằng cách vạch miệng con cá, khoe bộ răng trắng ởn, sắc như dao, xếp chồng nhiều lớp. Lúc này, du khách sẽ hú hồn khi tưởng tượng đến cảnh cái ngón chân của mình nếu không may mà nằm trong miệng cá! Cá lên thuyền thì tiệc cũng chuẩn bị bày ra. Con cá hóa thân thành một dĩa tái chanh chấm wasabi; một dĩa chiên xù; một nồi canh ngót; một dĩa gỏi cá với dừa nạo, bánh tráng, nước mắm đậu phộng… Cắn một cuốn gỏi cá, nhấp thêm ngụm rượu sim Phú Quốc, du khách nghe thấm thía câu ca dao của người dân đảo ngọc:
“Gì ngon bằng gỏi cá nhồng
Gì vui bằng được tin chồng vinh quy”
Trời sụp tối, đèn được thắp lên quanh mạn tàu, mọi ngừơi lại lục tục chuyển qua câu mực. Biển đêm huyền ảo, trăng lưỡi liềm lơ lửng trên đầu, từng chú mực say đèn bị bắt lên tàu. Lò than hồng giữa tàu ngát mùi mực nướng, cạnh bên là một cháo sôi sung sục. Mực bắt lên, du khách tùy thích lựa chọn, thả lên vỉ nướng hoặc bỏ vào nồi cháo. Rượu sim lại được khui ra…
Ngắm san hô, câu đậu hay câu chạy, câu mực đều để lại những kỷ niệm khó quên trong lòng du khách. Những sản phẩm đa dạng này đã tạo sự hấp dẫn cho quần đảo phía Nam Phú Quốc.