Hành trang lữ khách

Nét đẹp văn hoá Long Sơn - An Giang

Cập nhật: 02/06/2009 10:19:30
Số lần đọc: 3352
Đến Phú Tân (An Giang), ngược lên đầu nguồn sông Hậu, bạn đi ngang khu vườn trầu. Dài theo một bên đường 954, hầu như những vườn trầu vàng ruôm nối tiếp nhau, thấp thoáng ẩn hiện sau những căn nhà khang trang.

Ghé thăm vườn trầu của anh Nguyễn Phú Trung (ấp Long Hòa 2, xã Long Hòa, huyện Phú Tân), đi sâu ra sau nhà, bạn sẽ bị choáng ngợp bởi những nọc trầu cao vút đầy 2 công đất với những dây trầu bỏ vòi leo ngút mắt trong ánh nắng mai rực rỡ, đẹp vô cùng. Anh Trung cho biết, trầu đã được trồng ở Long Sơn từ hàng trăm năm trước, có nguồn gốc từ trầu Bà Điểm nổi tiếng. Tuy nhiên, khi đem về đây trồng, trầu Bà Điểm đã trở thành trầu Long Sơn nổi tiếng nhờ cái màu vàng ruôm đẹp mắt và mùi vị đặc trưng mà gốc gác nó không có. Bí quyết để có lá trầu như vậy nhờ lúc bấy giờ người ta bón phân tằm cho trầu. Long Sơn gần Tân Châu - là địa phương trồng dâu nuôi tằm dệt lãnh mỹ a nổi tiếng cả nước khi xưa.

 

Thăm vườn trầu là bạn “thăm” lại cổ tục ông bà xưa. Đó là tục ăn trầu, tương truyền có từ thời vua Hùng dựng nước. Ăn trầu là biểu hiện phong cách lễ nghĩa và tình cảm một cách độc đáo của người Việt Nam, “miếng trầu là đầu câu chuyện”! Sách xưa ghi: “Ăn trầu làm thơm miệng, hạ khí, tiêu cơm”. Tập tục dán đuôi trầu lên trán để trị chứng nấc cục ở trẻ đã có từ xa xưa. Cũng khá hiệu nghiệm như vậy là bài thuốc dân gian dùng lá trầu hơ nóng đắp cho cứng mỏ ác con nít mới sanh... Trầu (cùng với cau) là sính lễ rất quan trọng trong đám hỏi, đám cưới. Chính vì vậy mà trầu còn tồn tại dù bây giờ hiếm có người ăn trầu khiến ta có cảm giác trầu đã bị mai một trong đời sống thường ngày của nhân dân ta.

 

Cho nên cứ tưởng lá trầu cùng với vườn trầu đã trở thành “cổ tích” trong lòng thế hệ trẻ hôm nay. Nhưng không, đến Long Sơn bạn mới thấy sức sống bền bỉ của loại hàng hóa đặc biệt này. Nó chẳng những tồn tại mà có khi còn phát triển dài lâu.

 

Rời vườn trầu, đi thêm đoạn nữa, rẽ trái vài trăm thước là tới miếu Bằng Lăng (thị trấn Chợ Vàm, huyện Phú Tân). Miếu thờ Bà Thượng Động Cố Hỷ. Ông Lý Ngọc Ẩn (sinh năm 1928), Phó ban quản miếu cho biết miếu này có từ lâu đời, đầu tiên thờ Thiên Y A Na (ở Phú An, Phú Lâm), sau dời về đây thờ vị thánh nữ này với tên gọi Thiên Nương. Miếu thờ Bà Thiên Y A Na có lẽ là chính xác. Bởi ngang miếu là Bãi Chàm - nơi có đông đồng bào dân tộc này cư trú. Hầu như ngày nào miếu Bằng Lăng cũng có khá nhiều khách thập phương cúng viếng. Hàng năm, miếu tổ chức lễ cúng bà trong 2 ngày 15 và 16/3 âm lịch với nhiều nghi thức cùng đám rước long trọng, đêm tối phục vụ hát bội cho bà con thưởng lãm.

 

 Miếu Bằng Lăng hiện tọa lạc trên diện tích khoảng 1.000 m2, đã được trùng tu vào năm 1964. Đặc biệt, đến đây, bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên thích thú khi đi vòng ra sau miếu, là nơi có ba cây bằng lăng cổ thụ, không ai biết nó có từ khi nào. Mỗi năm, cứ tới mùa bông, mỗi cây trổ một màu bông tím đẹp, rải rắc quanh thân cây. Điều đáng nói là vì quá cỗi nên cây nào cũng có bộng. Có cây bộng rộng tới 5-7 người chun vô ngồi. Đó là khám phá thú vị vì hiếm người biết chuyện 3 cây bằng lăng đại thụ này. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hiệp thì, cho rằng cây bằng lăng và thao lao là một cũng đúng, nhưng chưa đúng hẳn. Vì về hình dáng tuy giống nhưng kỳ thật chúng có đến hàng chục loại và có phân biệt: đọt bằng lăng ăn được, còn đọt thao lao đắng, không ăn được. “Cây bằng lăng hoa lá giống như cây tử kinh. Sớ thịt bên trong màu trắng ngà dùng làm rui mè, cột kèo hay giầm chèo đều tốt. Rễ cây u nần cong queo có vẻ kỳ quái. Có khi giống hình người, có khi giống hình chim muông, có khi giống hoa cỏ. Nhưng dùng thứ ấy làm ống cắm bút, dĩa trưng trái cây, thì lại tăng vẻ cổ nhã tự nhiên”.

 

Đến Long Sơn lòng bồi hồi xao xuyến nhớ Cái Vừng xưa. Long Sơn xưa có nhiều tay thợ chuyên làm ghe du hồ và xây hòn non bộ chưng cộ rất khéo. Người ta bận “đồ vía” tham dự buổi lễ khi chiều vừa tắt nắng. Bấy giờ, trên rạch Cái Vừng có năm bảy chiếc thuyền hoa đăng tỏa sáng, trên bờ có năm mười chiếc cộ hiện ra. Mỗi chiếc cộ chở một hòn non bộ và một vị trong Bát tiên ngồi ngất nghểu. Giúp cho buổi lễ thêm phần sôi động là giàn trống Tiều. Tiếc rằng, tục này nay không còn nữa. Thiết nghĩ, những nét đẹp văn hóa này cần được phục hồi để làm đậm thêm bản sắc văn hóa dân tộc Tiều, làm giàu thêm kho tàng văn hóa dân gian của nước ta.

Nguồn: website Báo Hậu Giang

Cùng chuyên mục