Mùa ốc gạo (Bến Tre)
Ốc gạo bắt đầu có nhiều từ tháng 3 âm lịch, nhưng rộ và nhiều nhất vào tháng 5. Về cồn Phú Đa, con ốc gạo tới mùa béo giòn đúng độ. Gu của dân xứ dừa thì món ốc gạo ngon hơn phải trộn thêm dừa rám nạo, cuốn bánh tráng chấm tương. Và còn biết bao là món ngon như ốc gạo um nước dừa, ốc xào củ hủ dừa, bánh xèo nhân ốc gạo củ hủ dừa... mang đậm sắc thái đặc trưng vùng Phú Đa.
Xuống cù lao Tân Phong, người dân ở đây sống trên thuận dưới hoà như bà con ruột thịt. Bởi lẽ họ quanh quẩn trên cái cù lao dài độ ba cây số, ngang chưa đầy một cây số rưỡi, sống bằng nghề xúc ốc gạo.
Người Tân Phong trông có khách phương xa đến thăm vào mùa ốc thế nào cũng phải mang đặc sản ra đãi. Trong các món thì ốc gạo luộc coi dễ ợt vậy mà không khéo thì mất ngon. Bắc chảo lên bếp, để lửa nóng, đổ ốc vào chảo đậy nắp cho kín, chừng vài phút, canh con ốc vừa hé miệng, trút nhanh ra thố. Vậy là có một món ốc gạo luộc nóng hổi, thơm bát ngát. Bẻ mấy cọng gai bưởi làm kim lể ốc, chấm nước mắm gừng, nhai chầm chậm để thấy con ốc ngọt lịm, béo đậm trong cái hậu giòn.
Ốc gạo trộn gỏi đu đủ làm món dưa cay thiệt bắt. Còn món ốc gạo chấy tỏi, vừa nghe mùi tỏi chấy bén mùi ốc bốc lên là
đã thấy ứa nước miếng. Vẽ duyên hơn thì làm ốc gạo tiềm thuốc bắc để bồi dưỡng. Khề khà mấy món ốc gạo với ly rượu đế, nói chuyện con ốc, mùa màng, làng xóm. Cuối buổi làm gì thì phải có món cháo ốc. Lể ốc, xào sơ với mỡ, tỏi, hành phi cho thơm, trút vào nồi cháo. Hoa cháo nở bung trắng mịn, thịt ốc vàng căng mọng, điểm hành xanh mát mắt. Múc mỗi người một tô, rắc tiêu thơm phức.