Tin tức - Sự kiện

Nhiều hoạt động hướng về lễ hội giỗ Tổ Hùng Vương

Cập nhật: 16/04/2008 08:04:46
Số lần đọc: 2133
Đúng 14 giờ ngày 14/4, cặp bánh chưng, bánh dày khổng lồ được chuyển từ thành phố Hồ Chí Minh về đến Khu di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ) để cung tiến Giỗ tổ Hùng Vương vào Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mồng 10 tháng 3 năm Mậu Tý.

Cặp bánh đặc biệt này bắt đầu cuộc hành trình từ ngày 11/4 tại Công viên Văn hoá Đầm Sen (thành phố Hồ Chí Minh).


Với nguyên liệu gồm: 900kg gạo nếp, 200 kg thịt lợn, 300 kg đậu xanh, 300kg lá dong, chiếc bánh chưng vuông có kích thước "ngoại cỡ" 1,8 x 1,8 x 0,7m. Trọng lượng của bánh sau khi nấu chín nặng 2 tấn. Để gói chiếc bánh khổng lồ này, 30 lao động làm việc liên tục trong suốt 24 giờ và thời gian nấu mất 60 giờ. Trong khi đó, chiếc bánh dày được làm từ 600kg gạo nếp, có đường kính 1,8m, cao 0,7m, nặng đến 1 tấn. Cặp bánh do tập thể cán bộ, công nhân viên Công viên Văn hóa Đầm Sen thực hiện. Tại khu di tích lịch sử Đền Hùng, đông đảo đồng bào ta về dự lễ hội Đền Hùng đã tận mắt chiêm ngưỡng cặp bánh khổng lồ này.


Sáng 14/4 (tức mồng 9 tháng 3 âm lịch), tại ngã ba sông (nơi giao nhau của 3 dòng sông: sông Thao, sông Lô, sông Đà) thuộc địa phận phưòng Bạch Hạc, UBND thành phố Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) tổ chức Hội bơi chải truyền thống năm 2008. 120 vận động viên thuộc 4 đội: Bạch Hạc 1, Bạch Hạc 2, xã Trưng Vương và phường Dữu Lâu đã tham gia. Hội bơi chải là một trò diễn vui khỏe giúp rèn luyện thân thể và kỹ năng chiến đấu gắn với sự tích thần Thổ Lệnh đưa tiễn Tản Viên khi ngài đến thăm Bạch Hạc và tích tướng quân Trần Nhật Duật luyện thủy quân. Hội thi đã trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống đầy tinh thần thượng võ của một vùng quê với những con người quanh năm gắn bó với sông nước. Đây là lễ hội bơi chải truyền thống hàng năm hướng về Ngày Giỗ Tổ, đã thu hút đông đảo đồng bào ta từ nhiều nơi về Đất Tổ. Ban Tổ chức đã trao giải Nhất cho đội xã Trưng Vương.


Năm nay, các địa phương ở thành phố Cần Thơ tổ chức lễ hội giỗ Tổ Hùng Vương vào hai ngày 14 và 15/4 (tức mồng 9 và mồng 10 tháng 3 âm lịch). Ngoài lễ chính diễn ra tại Bảo tàng thành phố Cần Thơ, đình Bình Thủy (quận Bình Thủy) và đình Thới An (quận Ô Môn), thành phố còn bố trí thêm một điểm lễ hội Giỗ tổ Hùng Vương tại đình Thuận Hưng (huyện Thốt Nốt) nhằm đáp ứng nhu cầu của đông đảo người dân địa phương. Lễ hội giỗ Tổ được tổ chức trang trọng, tiết kiệm, các nghi lễ truyền thống được sân khấu hóa, phục dựng các truyền thuyết thời các vua Hùng dựng nước với cảnh vua Hùng thiết triều truyền đánh trống đồng mở hội được mùa... Đặc biệt, tiết mục “Các vua Hùng trên đất Tây Đô” thể hiện sự ngưỡng vọng của người dân Tây Đô với các vua Hùng.


Nhằm bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Đền Hùng cho muôn đời sau, mới đây, nhiều đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã cung tiến hàng tỷ đồng để tu bổ các công trình thuộc Khu di tích. Cán bộ, công nhân viên Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam đã cung tiến hơn 2,5 tỷ đồng để góp phần tu bổ, tôn tạo Đền Thượng trên núi Nghĩa Lĩnh. Công ty cổ phần xi măng Hữu Nghị (Phú Thọ) cung tiến 1.000 tấn xi măng (trị giá 900 triệu đồng) để góp phần xây dựng, tu bổ các công trình của Khu di tích. Ông Nguyễn Đức Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xi măng Hữu Nghị cung tiến 50 triệu đồng; ông Nguyễn Văn Viện, Công ty cổ phần Sơn - Hải Phòng cung tiến 10 triệu đồng... Đặc biệt, gia đình cụ Lê Văn Hậu, quê gốc xã Vụ Cầu, huyện Hạ Hòa (Phú Thọ) đã cung tiến hơn 1 tỷ đồng. Được biết, mỗi năm có khoảng hơn 10 tỷ đồng được các tập thể, cá nhân cung tiến để trùng tu Khu di tích.

Nguồn: TTXVN

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT