Tiềm năng du lịch huyện Tương Dương, Nghệ An
Nói vậy bởi nơi đây có nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Nằm trong khu dự trữ sinh quyển lớn nhất cả nước, với những phong cảnh dễ say lòng người như hai dòng Nậm Nơn, Nậm Mộ và những câu chuyện đầy chất huyền thoại, rồi rừng Quốc gia Pù Mát, rừng săng lẻ ở xã Tam Đình được nhiều người đánh giá là đẹp nhất nước, rừng lạnh nguyên sinh ở Tam Hợp, rừng cây lùn ở khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống (xã Nga My). Bên cạnh đó, khi các công trình thủy điện Bản Vẽ và Khe Bố hoàn thành, khu vực lòng hồ thủy điện sẽ là những điểm thu hút du khách, phát triển dịch vụ du thuyền thám hiểm lòng hồ, tham quan các ốc đảo và thưởng thức các loại đặc sản của núi rừng như thịt gà đen, lợn đen, cá mát, cơm lam, măng đắng...
Tương Dương cũng là huyện có khá nhiều di tích- lịch sử, tiêu biểu như đền Cửa Rào (xã Xá Lượng), đền thờ Lý Nhật Quang (xã Tam Quang), hang Thằm Cóng (xã Tam Bông) và hệ thống hang động ở bản Xiềng Lằm (xã Hữu Khuông). Đặc biệt, đền Cửa Rào từ lâu đã trở thành nơi gửi gắm tâm linh của đồng bào các dân tộc Tương Dương và du khách gần xa. Mấy năm gần đây, chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động lễ hội vào dịp đầu xuân đã thu hút một số lượng lớn du khách tìm về với lễ hội.
Với đặc điểm có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống nên vùng đất Tương Dương có đời sống văn hóa phong phú và đa dạng, mang đậm bản sắc vùng miền đến nay cơ bản vẫn còn lưu giữ được. Đồng bào Thái với câu lăm, điệu khắp cùng bộ trang phục duyên dáng, gợi cảm; đồng bào Mông với bộ trang phục hoa văn sặc sỡ cùng điệu múa xòe; đồng bào Khơ mú với điệu hát tơm lôi cuốn người nghe bởi giai điệu rộn ràng. Đó là chưa kể tới đời sống văn hóa- xã hội của đồng bào Tày Poọng, Ơ đu đang trên bước đường hồi sinh. Với ưu thế chiếm số lượng lớn và cư trú rộng khắp, đồng bào Thái ở Tương Dương từ lâu đã có ý thức bảo tồn và phát huy bản sắc của dân tộc mình, trong đó phải kể đến yếu tố không gian văn hóa. Vì thế, ở Tương Dương lưu giữ được một số bản Thái cổ như bản Chắn, bản Mac, bản Lau (xã Thạch Giám), bản Xoóng Con, bản Phồng (xã Lưu Kiền), bản Huồi Tố (xã Mai Sơn)...
Tương Dương có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái- văn hóa- tâm linh. Tuy nhiên, để biến tiềm năng, lợi thế thành hiện thực, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội, xóa đói, giảm nghèo còn khá nhiều việc phải làm, có thể xem đây là một bài toán lớn của chính quyền địa phương. Đó là đi tìm lời giải cho vấn đề quy hoạch phát triển, nguồn nhân lực phục vụ du lịch, chính sách thu hút đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, công tác quảng bá, bảo tồn tài nguyên du lịch cũng như công tác quản lí...