Mọc mò: món ăn cổ truyền của người dân Thái Bình
Bà vừa ăn trầu vừa thong thả kể lại cách làm mọc mò. Ngày xưa mỗi khi Tết đến, dù khó khăn thế nào trong nhà cũng phải có bát mọc mò để cúng tổ tiên. Mọc mò là món ăn bình dị trông tưởng đơn giản, nhưng muốn ăn ngon, cũng phải khéo. Từ khâu chọn lá để gói cũng thật cẩn thận, lá không quá già, cũng không non rửa sạch để ráo nước. Nhân mọc làm bằng lòng gà, phải là gà mái tơ sắp đẻ, trứng còn non. Phần ruột gà băm nhuyễn cùng với thịt ba chỉ, rau thơm, gia vị, hạt tiêu... không thể thiếu được vỏ quýt và tiết gà trộn đều với trứng gà. Mọc mò được gói làm nhiều kiểu dáng khác nhau, tùy ý thích của từng gia đình để bầy sao cho đẹp, rồi đem hấp cách thủy hoặc luộc, nhưng ngon nhất vẫn là hấp vừa chín tới. Khi hấp, các mẹ, các chị phân công nhau ngồi trông để mọc không bị quá lửa sẽ bị nồng, khi chín vớt mọc ra nén nhẹ, thắt miệng để ráo nước, rồi bày vào bát. Thưởng thức mọc nên ăn vào lúc còn nóng hổi bốc hơi nghi ngút, cùng với nước chấm pha nhạt.
Mọc mò, có hương vị đặc trưng, dễ chịu, vị ngọt, vị béo của lòng gà, vị bùi bùi của tiết hòa cùng mùi thơm nồng của vỏ quýt, vị cay thơm của hạt tiêu... và nhất là vị cay tê lưỡi của ớt, vừa ăn vừa xuýt xoa mới thấy được cái thú vị của nó. Mỗi lần được theo mẹ về quê, dù không phải ngày lễ, Tết, bà nội rất vui và món ăn đầu tiên bà làm cho các cháu, là bát mọc mò bốc hơi nóng hổi đầy quyến rũ. Nhìn chúng tôi ăn uống ngon lành, nước mắt trào ra vì vị cay của ớt và hạt tiêu, bà tủm tỉm cười và nói: "Ăn đi các cháu, để mà nhớ mãi mọc mò, một món ăn riêng biệt của làng quê Thái Bình mình, để mai này lớn lên dù các cháu có bay đi phương nào cũng nhớ mãi tình người đầm ấm của quê hương xứ sở...