Non nước Việt Nam

Bánh tro: Hương vị quê nhà của người dân xứ Quảng

Cập nhật: 03/08/2009 11:08:02
Số lần đọc: 2247
Mâm cơm cúng tết Ðoan Ngọ vào ngày mồng năm tháng năm âm lịch của người dân xứ Quảng ngoài các món như thịt vịt, trái cây, chè, xôi,... thì một loại bánh không thể thiếu trong ngày này là những chiếc bánh tro. Ngày trước khi còn ở quê mỗi dịp mồng năm về là tôi bận bịu cùng với cả nhà trong việc gói bánh tro để cúng ông bà và đem bán ở chợ.

Trước đó mấy ngày ở các vùng quê người dân bắt đầu chuẩn bị nguyên liệu để làm bánh tro. Việc đầu tiên là chọn nếp, thường thì nếp tháng ba mới gặt hột mẩy, chắc, ít lộn tẻ (gạo). Nước tro ngâm nếp tốt nhất phải là thứ tro đốt từ thân cây mè, nếu như không có tro thân cây mè thì lấy tro than cũng được nhưng phải lọc thật kỹ. Ðổ tro vào chậu nước khuấy đều cho đến khi tro thấm nước và chìm xuống. Một ít bọt và mẩu than nhỏ nổi lên trên nhanh chóng múc ra và vứt bỏ. Khi tro lắng xuống, nước tro ở trên khá trong thì chắt lấy nước này. Nếp đã lựa cho vào nước tro, ngâm ba ngày đêm, sau đó vớt ra vo lại với nước sạch, đổ trên rổ cho ráo nước. Loại lá thường dùng để gói bánh tro là lá sậy ở trên rừng được một số người mang về các chợ bán. Lá sậy thường bề rộng nhỏ nên để gói được những đòn bánh tro người ta phải xếp chồng lên nhau.

 

Bên cạnh bánh tro còn có một thứ bánh khác cũng làm nguyên liệu như trên là bánh ú tro, chỉ khác nhau ở cách gói. Ðể làm bánh tro chỉ cần múc một chén nếp đã ủ tro, đổ dài trên mặt lá rồi khéo léo cuốn nếp vào bên trong, xóc xóc hai đầu cho nếp đều, buộc lại, thế là xong (giống như gói bánh tét). Còn muốn làm bánh ú tro thì lấy những chiếc lá sậy dài, gấp đôi hơi chéo, xoay xoay đôi tay, gấp chéo lá thành hình phễu bỏ một nắm nếp bỏ vào, úp phần lá thừa. Trong tích tắc đã ra được hình chóp nón góc cạnh chung quanh của thứ bánh ú, sau đó xâu từng cái bánh ú tro thành chục. Trình tự tiến hành làm nhìn thì đơn giản nhưng đòi hỏi sự quen tay khéo léo mới gói được số lượng bánh nhanh và đẹp. Bánh tro dựng vào thùng hoặc từng chục bánh ú tro nấu cho nước sôi chừng bốn tiếng đồng hồ là vừa để bánh vừa chín mà không bị nhão. Bánh tro chín vớt ra, dùng tay lăn tròn bánh trên mâm cho bánh được tròn đều. Bánh gói bằng lá sậy có mầu vàng nâu, muốn bánh có mầu bớt đậm thì dùng lá non hơn.

 

Bánh tro hay bánh ú tro vừa mềm dẻo lại vừa giòn sựt sựt, vị rất nhẹ; khi ăn thường chấm với đường cát trắng, bánh ăn dễ tiêu lại còn kích thích tiêu hóa, nên rất thích hợp với người già, người yếu tì vị.

 

Thế là một mồng năm nữa lại về, tôi ra chợ thật sớm để mua những đòn bánh tro còn nóng hổi. Tiếc giờ đã xa quê nên không được thưởng thức những đòn bánh tro do chính tay mình làm ra.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT