Non nước Việt Nam

Lễ hội A-riêu Pi-ing của đồng bào Pa-Cô, Thừa Thiên-Huế

Cập nhật: 19/08/2009 09:48:54
Số lần đọc: 2016
Làng Ân Triêng - một chiều tháng 7. Người làng có vẻ tất bật hơn, đông đảo hơn thường lệ. Mọi việc nương rẫy đã được gác lại. Giữa trung tâm của làng, người làng dựng lên một loạt các cây cột cao được trang trí và được vẽ những nét hoa văn trang trí mang đậm văn hoá Pa-cô. 

Với các cây cột ấy, thân cột và các vật trang trí trên đó đều lấy màu trắng làm màu chủ đạo, chứ không có những màu đỏ và đen sặc sở như thường lệ. Làng Ân Triêng tổ chức lễ hội A-riêu Pi-ing. Đó là một lễ hội lớn nhất của người Pa-cô mà chỉ có 5 – 7 năm, thậm chí 10 năm, người ta mới tổ chức một lần.

Xét trên một chừng mực nào đó, A-riêu Pi-ing của đồng bào Pa-cô là lễ hội gần với lễ Thanh Minh của đồng bào Kinh. Với lễ Thanh Minh của đồng bào Kinh, người ta chủ yếu là tảo mộ ông bà tổ tiên trong dịp này. Nhưng với đồng bào Pa-cô, lại là làm mới nhà mồ. Tất cả những người thuộc một dòng họ, khi mất, đều được làm mới nhà mồ trong lễ hội A-riêu Pi-ing. Lễ hội A-riêu Pi-ing được đồng bào Pa-cô coi trọng nhất vì nó thể hiện sự quan tâm, tình cảm của con cháu với ông bà tổ tiên. Cho nên, dù có bận việc gì, người làng cũng phải về, dù ở đâu cũng quay về trong dịp lễ hội A-riêu Pi-ing. Hơn nữa, lễ hội này còn thể hiện sự đoàn kết gắn bó giữa các làng Pa-cô với nhau khi một làng nào đó tổ chức thì các già làng, người của các làng khác cũng được mời dự một cách trang trọng. Theo truyền thống Pa-cô, khách mời có vai trò quan trọng trong các nghi thức của lễ hội, họ trở thành đoàn thực hiện chủ đạo các hoạt động chính của lễ hội. Chính sự hiếu khách đã trở thành một nguyên tắc cho sự công nhận lễ hội A-riêu Pi-ing của một làng được tổ chức thành công và đúng truyền thống. Khách thì có khách của làng, khách của thanh niên và khách của các họ tộc.

Sự chuẩn bị cho lễ hội A-riêu Pi-ing thật công phu và chu đáo. Một, hai năm trước, người làng Ân Triêng đã họp bàn với nhau để chuẩn bị tổ chức lễ hội A-riêu Pi-ing. Khi họp bàn từ trước, người làng muốn thể hiện sự thống nhất và đồng loạt trong việc tổ chức lễ hội của cả làng. Hơn nữa, điều đó cũng tạo điều kiện cho con cháu của làng ở xa có thể thu xếp công việc để về kịp dự lễ hội A-riêu Pi-ing cùng làng.

Một cái lán được dựng lên ở gần ngoài khu dân cư của làng. Dọc đường dẫn ra cái lán ấy, người làng Ân Triêng đã chuẩn bị chuyển những cái tiểu của những người sẽ được làm mới nhà mồ vào trong lán. Tất cả có trật tự và thứ bậc. Ở trong lán, khi chuyển vào, người Pa-cô có quy định dòng họ nào trước và dòng họ nào sau. Cùng với sân trung tâm, cái lán này cũng trở thành một trong các tâm điểm của lễ hội A-riêu Pi-ing.

Đã gần đến thời điểm diễn ra lễ hội, trên những trảng cỏ, những khoản ruộng, từng nhóm người đang bắt cào cào. Việc bắt cào cào chính là sự quan tâm của người còn sống với người không về được với lễ hội. Bởi lẽ, người Pa-cô quan niệm rằng: mỗi con cào cào thay cho một người chưa về. Càng nhiều cào cào thì càng đông vui.

Trong khi đó, tại sân trung tâm của làng – nơi diễn ra lễ hội, trâu, bò và dê đã được các họ trong làng mang đến cột đầy các cây cột giữa sân. Các cây cột dùng để cột trâu, bò hay dê đó cũng có sự phân biệt rạch ròi giữa họ này và họ kia, và giữa các họ và làng. Điểm nhận biết chính là hoa văn của cây cột. Tính uy quyền truyền thống của một dòng họ quy định vị trí của cây cột của dòng họ đó. Không quyền uy thì ở phía bên ngoài, quyền uy thì ở bên trong và gần cây cột của làng. Cột ở giữa, đẹp nhất, cao nhất là cột của làng.

Số trâu, bò và dê đem ra cột ở các cây cột ấy đều được xẻ thịt để cúng, để đãi khách. Với đồng bào Pa-cô, trâu, bò hay dê không có gì khác nhau và không quan trọng lớn nhỏ. Bởi lẽ, họ quan niệm rằng: “bộ lòng” thể hiện tình cảm nên trâu, bò hay dê đều có bộ lòng đầy đủ như nhau nên dùng bộ lòng đó để cúng và đãi khách thì cũng như nhau.

Trời đã xế chiều. Đó là thời điểm diễn ra các hoạt động chính của lễ hội. Trên con đường dẫn về làng, đoàn khách các già làng đã tập trung thành một hàng đợi già làng Ân Triêng đến đón. Già làng Ân Triêng đi trước dẫn đường, các già làng và đoàn nhạc lễ của làng đi theo sau. Đến gần đầu làng, già làng Ân Triêng mở hội tiếp chuyện giữa ông và các già làng khác để thống nhất và bảo đảm rằng các nghi lễ sẽ được tổ chức theo đúng truyền thống. Sau vài câu nói, một tiệc rượu diễn ra thay cho các cam kết.

Đó là tiệc rượu cần đầy rộn rã và vui vẻ. Đoàn già làng và nhạc lễ của làng Ân Triêng đi vòng quanh hũ rượu cần. Họ vừa hát vừa múa. Những lời ca mộc mạc, những tiếng hú vang như mời gọi, như lôi cuốn thiên nhiên núi rừng xung quanh vào tiệc rượu đang diễn ra. Tiếng tâng-cói, tiếng khên, tiếng chiêng, tiếng thanh la được cả đoàn hoà điệu, vừa âm vang vừa nhịp nhàng. Tiếng tâng-cói là sự thông báo cuộc vui lễ hội đến tất cả mọi người, thần linh và cây cỏ núi rừng, đó còn là tiếng mời gọi mọi người nhập cuộc. Tiếng khên là thanh âm của sự chào mừng đoàn tụ. Thanh la và chiêng là chứng minh lễ hội đã bắt đầu. Cần rượu được một già làng khách mời cầm đâm thủng tấm màng che trên miệng hũ rượu. Xong, già làng khách mời hút một hơi mạnh. Sau đó, các già làng chuyền tay nhau. Ai cũng ngửa cổ hút, uống. Rượu vào, âm nhạc càng được tấu lên vang hơn, mạnh mẽ hơn. Tất cả người dân làng và khách mời không thể cưỡng lại sức hút của tiếng hú, tiếng khền, tiếng tâng-cói, tiếng thanh la … đã tập trung chứng kiến tiệc rượu các già làng đang diễn ra.

Sau một lúc, tiệc rượu ấy cũng dừng lại và cả đoàn già làng và nhạc lễ của làng Ân Triêng lại đi thành đoàn, vừa đi vừa tấu nhạc, hướng về sân trung tâm lễ hội. Ở đó, họ chuẩn bị múa Xía-ty-Ría hay còn gọi là múa đâm trâu. Trước khi đâm trâu, cả đoàn phải múa, vì theo nghi thức lễ hội của người Pa-cô, không múa không thành lễ hội. Mà lễ hội A-riêu Pi-ing lại có đâm trâu nên phải múa Xía-ty-Ría trước khi đâm trâu. Cả đoàn lại vừa múa vừa tấu nhạc. Và có một dụng cụ phụ đạo không thể thiếu, đó là những cái ngọn của cây mía trên tay các thành viên ban nhạc lễ của làng. Những ngọn mía bình thường ít người để ý nhưng khi ở trong tay thànhviên ban nhạc lễ, nó trở nên linh thiêng và sống động, nó hoà nhịp cùng điệu nhảy, phất phơ cùng tiếng nhạc.

Cả đoàn già làng và ban nhạc lễ múa Xía-ty-Ría 2 vòng quanh sân trung tâm. Những thành viên trong đoàn múa không có nhạc cụ thì phải múa theo điệu A-zưng. Chân dậm dập dừng và xoay xoay trên 2 mũi bàn chân. Tay thì vừa múa vừa hạ thấp. Trong khi đó, những thành viên có nhạc cụ thì múa theo tiếng nhạc mà mình đang trình diễn. Chỉ có một nhạc cụ phụ hoạ cho những thành viên không có nhạc cụ, đó là xi-xía, một loại trống của đồng bào Pa-cô. Có 2 người gánh trống, người nào cũng có dùi và họ vừa đi vừa đánh. Đi quanh sân đúng 2 vòng, cả đoàn lại vừa hát, vừa tấu nhạc, vừa di chuyển về hướng cái lán bên rìa làng. Ở đây, cả đoàn già làng, ban nhạc lễ của làng và ban nhạc các họ tộc sẽ đi 1 vòng quanh lán. Đây là nghi lễ chào mừng của khách mời với các họ tộc trong làng.

Tiếp theo, cả đoàn lại đến sân trung tâm để thực hiện nghi lễ đâm trâu. Nghi lễ đâm trâu là thể hiện sự cam kết tình cảm giữa làng với làng, người với người, người với thần linh, họ tộc với họ tộc. Một cây Cói, trông giống cây giáo, đã được chuẩn bị sẳn. Cây Cói này sẽ được già làng Ân Triêng trao cho một già làng khách mời và chính ông này sẽ thực hiện việc đâm trâu. Việc này thể hiện sự hiếu khách và tình cảm nồng thắm giữa các làng. Già làng khách mời cầm Cói đi ra sân và thực hiện nghi lễ đâm trâu. Sau khi trâu được đâm chết, một người phụ nữ cầm tấm khăn choàng ra phủ lên đầu chúng và chúc phúc cho chúng vì chúng đã mang lại may mắn, đoàn kết cho làng.

Nghi lễ đâm trâu đã xong. Họ nào về nhà họ nấy để xẻ thịt những con trâu, bò, dê đó để cúng tế. Mọi người ăn uống để chuẩn bị cho nghi thức Ra-zọoc sẽ diễn ra vào nửa đêm. Trong khi đó, tại nhà khách của làng, một buổi tiệc âm nhạc đang được các già làng và chức sắc làng Ân Triêng mở ra. Đây là buổi mừng vui có ý nghĩa tạo sự liên tục không ngừng nghỉ trong thời gian diễn ra lễ hội A-riêu Pi-ing. Những người tham gia sẽ múa, sẽ tấu nhạc đến khi diễn ra nghi thức Ra-zọoc.

Nghi thức Ra-zọoc là nghi thức mừng cho sự chuyển giao thời gian giữa đất trời và con người, là cơ hội gắn kết các tầng lớp, các lứa tuổi, các làng Pa-cô lại với nhau. Đoàn múa và tấu nhạc trong nghi thức này được gọi là đoàn Ra-zọoc. Họ sẽ di chuyển từ Nhà khách của làng về hướng cái lán bên ngoài làng. Đoàn Ra-zọoc đi một vòng quanh lán. Sau đó, đoàn sẽ chia ra thành từng nhóm và đi đến các nhà gần đó để nhận sự chia sẻ tình cảm của chủ nhà. Họ vừa múa hát trước cửa nhà vừa nhận từ tay chủ nhà những cái bánh nếp A-quát và những bát rượu lớn. Sự chan hoà đầy hứng khởi giữa chủ nhà và đoàn khách.

Sau một lượt đi nhận sự chia sẻ của các chủ nhà, các nhóm của đoàn Ra-zọoc hướng về sân trung tâm để thực hiện phần kết thúc của nghi thức Ra-zọoc. Cả đoàn đứng quanh sân và chuẩn bị. Một đống lửa được đốt lên. Sự cháy bùng của ngọn lửa cũng là lúc tiếng tâng-cói, tiếng khên, tiếng xi-xía, tiếng thanh la, tiếng chiêng … vang lên. Cả đoàn nhảy múa một cách tự do tuỳ thích, ưa gì múa nấy. Họ chỉ quan trọng là sự hoà đồng giữa người với người, sự hoà nhịp giữa điệu múa và tiếng nhạc, và sự thể hiện hết mình của thanh niên. Cho nên, múa tự do nhưng người Pa-cô vẫn đặt cho nó một cái tên là múa Ra-zọoc. Dưới ánh lửa bập bùng, sự nhịp nhàng của bước chân, sự hồ hởi của tiếng khên, mọi người say sưa múa. Ai chứng kiến cũng có thể cảm nhận được, dường như, thời gian cũng ngưng lại, núi rừng và muôn thú cũng lặng đi để ở đó người làng Ân Triêng múa Ra-zọoc. Nam thanh nữ tú vừa đi vòng vòng vừa dậm chân dập dìu, trong ánh lửa hồng, ai cũng rạng ngời đến kì lạ. Đoàn Ra-zọoc sẽ múa và tấu nhạc đến khi nào đống lửa tắt thì thôi.

Sáng ra, từ rất sớm, cả làng đi dọc đường làng, hướng về ngọn núi Tiến Côn. Nơi đó, người làng Ân Triêng đã chuẩn bị những nhà mồ được làm mới. Người ta làm mới từ trước đó, sáng nay, chỉ có đến nơi để sắp đặt lại cho đàng hoàng, gọn gàn. Hầu hết người làng tập trung ra đó. Họ muốn chia sẻ cùng nhau những điều thương nhớ người đã khuất và thể hiện với ông bà rằng: con cháu luôn ghi nhớ công lao nuôi dưỡng, bảo vệ của ông bà. Từng ngôi nhà mồ được làm mới với hoa văn đậm nét Pa-cô và sự quây quần của con cháu đã thể hiện điều này.

Nguồn: website TRT

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT