Nhà sàn: Kiểu nhà truyền thống vùng Đông Bắc tổ quốc
Có hai kiểu nhà sàn: kiểu nhà sàn bốn mái (tứ thiết) và kiểu nhà sàn hai mái. Nhìn ngôi nhà sàn bốn mái bao giờ cũng đẹp hơn. Kết cấu kỹ thuật của nhà bốn mái phức tạp hơn nhà sàn hai mái. Việc dựng một ngôi nhà sàn đòi hỏi rất công phu. Ðể chuẩn bị đủ nguyên liệu (bao gồm: cột gỗ, ván sàn, ngói...) người ta phải dày công vào tận rừng sâu, núi cao kiếm tìm những loại gỗ tốt lâu năm. Thời gian lo nguyên liệu nhanh cũng sáu tháng đến một năm, có khi tới vài năm. Một ngôi nhà sàn năm gian trung bình cần 21 cái hoành, bảy cái xà, 25 nghìn viên ngói âm dương và 36 cột to cùng rất nhiều gỗ dùng làm ván lát sàn, vách nhà, sàn ngoài hiên...
Bước vào thăm một ngôi nhà của đồng bào Tày, Nùng, chúng ta thấy cửa nhà sàn có thể mở ở trước mặt (có nơi làm cửa ở đầu hồi), cửa chính đặt ở ngay cầu thang lên xuống, còn cửa phụ là nơi ra bếp hoặc ra sàn phơi. Một số nơi đồng bào trổ cửa ở phía sau hoặc phía trước ngôi nhà. Ðặc điểm ngôi nhà sàn là ấm về mùa đông, thoáng mát về mùa hè. Những phiên nứa quanh nhà có thể chống lên như cửa sổ để đón gió mát.
Ngôi nhà sàn là một kiểu nhà tổng hợp, được sử dụng hợp lý và tối đa để phục vụ đời sống con người. Nhà sàn thường cao từ bảy đến tám mét, chiều sâu từ năm đến chín hàng cột. Trong nhà sàn gác có thể làm ở tất cả các gian và thường được sử dụng đặt bồ dậu, chum đựng các sản phẩm nông sản như lúa, ngô, khoai... Sàn là nơi tập trung sinh hoạt của gia đình. Gầm sàn là nơi để dụng cụ sản xuất như cuốc, xẻng, máy tuốt lúa. Có nơi đồng bào còn để nhốt gia súc, gia cầm (bây giờ nhiều nơi đã bỏ hẳn). Sân phơi thường làm bằng gỗ ván ở trước ngôi nhà, vừa để trẻ con chơi, vừa làm nơi phơi thóc, lúa, ngô khoai đồng thời cũng là chỗ để hóng mát hưởng trăng... Ngôi nhà sàn thể hiện rõ phong tục tập quán, nền nếp trật tự trong gia đình người Tày, Nùng. Bố cục trong ngôi nhà sàn thường được chia ra làm hai phần theo chiều ngang hay chiều dọc ngôi nhà (tính từ cửa chính), nửa trên (phía gần bàn thờ) gần cửa chính là nơi diễn ra mọi sinh hoạt của nam giới, đồng thời là nơi tiếp khách. Nửa dưới phía sau bàn thờ dành cho phụ nữ. Có nơi bàn thờ đặt ở gần gian kề gian chính giữa, song cách bố trí các thành viên nam, nữ trong gia đình cũng tương tự như thế. Trong nhà sàn thường có hai bếp, bếp chính và bếp phụ. Bếp thường đặt ngay sau bàn thờ, bếp chính dùng để nấu nướng hằng ngày, còn bếp phụ bên cạnh xây bằng gạch mộc, trát đất dùng để nấu rượu, nấu cám lợn. Những gian cuối cùng để đựng đồ dùng gia đình: chạn bát, thúng mẹt, chum nước ăn... Ở những nơi có điều kiện nước thuận lợi, dân bản thường dẫn mắc một hệ thống máng nước đơn giản bằng cây vầu để đưa nước từ khe suối, đồi về tận sàn nhà. Ðồng bào còn làm một thùng chứa nước bằng thân cây gỗ to, đục rỗng có thể chứa được từ một đến hai gánh nước, nước này dùng để rửa chân tay khi khách lên nhà chơi.
Tập quán của đồng bào Tày, Nùng thường bố trí buồng ngủ như sau: buồng con dâu cả ở gian đầu rồi đến buồng con dâu thứ hai, ba... Con gái nếu chưa lập gia đình sẽ ở buồng cuối, sau buồng các chị dâu. Giữa các buồng được ngăn cách với nhau bằng ván hoặc phên nứa. Tập quán còn quy định bố chồng, anh/ em chồng không được vào buồng con dâu, chị/ em dâu. Nếu có khách con gái, con dâu thường tiếp khách ở trong buồng của mình hoặc bếp. Không tiếp khách ở trên nhà và trước bàn thờ tổ tiên. Cho đến giờ nhiều nơi vẫn còn tập quán con dâu, con gái không ngồi ăn cơm cùng với bố chồng, anh/ em chồng. Bữa cơm gia đình phải được dọn hai mâm, âu cũng là nét văn hóa độc đáo riêng biệt của những chủ nhân ngôi nhà sàn. Nếu đến Lạng Sơn, du khách sẽ ghé thăm một vài làng Tày cổ ở Văn Lãng, Tràng Ðịnh theo tuyến đường 4A hoặc các làng Tày cổ ở Văn Quan, Bình Gia, Bắc Sơn... có rất nhiều điều thú vị đang chờ bạn. Ngày nay, do những loài cây quý hiếm không còn, nhiều nơi bà con cải tiến ngôi nhà sàn làm tầng dưới thấp hơn hoặc làm nhà bằng các cột xi-măng, sắt thép, nhưng vẫn giữ dáng dấp của ngôi nhà sàn truyền thống.