Non nước Việt Nam

Hương nếp thơm nồng rượu Phú Lộc (Hải Dương)

Cập nhật: 03/09/2009 16:09:05
Số lần đọc: 3234
Phú Lộc là một xã thuộc tổng Văn Thai, nay là một thôn thuộc xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương). Phú Lộc từ lâu đã được biết đến như quê hương của nghề nấu rượu.

Theo truyền thuyết  Ma Há và Minh Kha là hai thôn nằm bên đường cái quan Nam Sách đi Cẩm Giàng. Vào thời kỳ giặc phương Bắc xâm lược, chúng đóng quân tại địa phương, mượn cớ mất một con ngựa, giặc triệt hạ cả hai thôn này, những người sống sót phiêu bạt bốn phương, khi đất nước giải phóng, họ trở về làng hợp nhất hai thôn thành một làng lấy tên là Phú Lộc. Mong cuộc sống hạnh phúc, phồn vinh, dân làng lấy nghề nấu rượu và nuôi lợn làm một nguồn sống bên cạnh nghề nông.


Đên thời Nguyễn cả làng Phú Lộc được phép nấu rượu và rượu Phú Lộc đã nổi tiếng từ thời Thiệu Trị, Tự Đức, có mặt hầu khắp thị trường trong tỉnh và ra tới hải đảo thuộc Hải Phòng. Rượu ngày xưa chuyên chở cho vào bong bóng trâu để đảm bảo an toàn, giảm nhẹ bao bì và vẫn đảm bảo chất lượng.

Tuy nhiên đến thời kỳ thực dân Pháp xâm lược, chúng đã dùng rượu như một công cụ nô dịch và bóc lột nhân dân ta.

Năm 1904 chúng xây dựng nhà máy rượu tại thị xã Hải Dương, trực thuộc công ty rượu Phông-ten của Pháp. Sau khi nhà máy rượu đi vào sản xuất, bọn thực dân ra lệnh cấm rượu của nhân dân tự sản xuất để độc chiếm thị trường chứ không vì mục đích tiến bộ. Khi bắt được nhân dân nấu rượu thì chúng gọi là rượu lậu, phạt rất nặng, còn rượu của chúng thì lại ép mọi làng xã phải mua. Năm 1939, nhà máy rượu Hải Dương bán cho người bản xứ là 2.904.835 lít, thuế thu được 228.204đ tiền Đông Dương, tương đương 2.564 tấn gạo loại I.


Kể từ khi nhà máy rượu Hải Dương hoạt động nghề nấu rượu của Phú Lộc tuy còn nhưng sản lượng không đáng kể.

Sau ngày miền Bắc giải phóng, nghề nấu rượu của Phú Lộc được phục hồi, chính quyền địa phương cho phép sản xuất phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân và xuất khẩu khi rượu quốc doanh chưa có điều kiện sản xuất lớn.

Từ năm 1956-1958 có tới 40% số hộ đăng ký nấu rượu bán cho Nhà Nước. Thời kỳ này rượu Phú Lộc ngoài phần bán cho Nhà nước còn bán rộng rãi ở Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Yên, Cát Bà, Cát Hải…

Từ năm 1959 nhà nước ngừng mua rượu, tiến tới hạn chế rồi cấm sản xuất rượu ở đây. Kể từ đó phụ nữ Phú Lộc không còn là những cô bán rượu nữa mà trở thành thợ dệt thảm len xuất khẩu và một số nghề thủ công khác. Nấu rượu không phát triển như xưa nhưng tiếng tăm về rượu Phú Lộc vẫn dư âm trong dân gian.


Người ta nhớ đến rượu Phú Lộc bởi đặc trương của rượu trong suốt, tinh khiết, thơm, nồng hương nếp uống ngọt giọng, không xốc mặc dù  nồng độ thường rất cao, có khi rót  rượu ra chén có bọt bám vào thành, châm lửa bắt cháy ngay. Rượu Phú Lộc dùng ngâm thuốc rất tốt.

Để có được sản phẩm rượu đặc biệt ấy, người ta đã phải tích luỹ kinh nghiệm nhiều thế kỷ, chú ý đến chất lượng của men, nguyên liệu, quá trình ủ và chưng cất, còn phương pháp chung thì không khác phương pháp cổ truyền mà các làng xưa nay vẫn làm.

Phú Lộc có bài thuốc làm men 21 vị như: Quế, đại, hồi, tiểu, hồi, cam thảo, cát cánh, xuyên khung…nay có phần giảm bớt một số vị nhưng vẫn là bài thuốc ưu việt hơn nhiều địa phương khác. Tuy vậy, biết các vị chưa đủ, quan trọng hơn là tỷ lệ trọng lượng giữa các vị trong bài thuốc và cách ủ men là bí quyết nâng cao chất lượng của rượu.

Hiện nay cả thôn Phú Lộc có khoảng 400 hộ chuyên nấu rượu, trong đó nổi  lên một vài đại gia từ nghề nấu rượu, điển hình như ông Hoàng Hữu Vũ, giám đốc công ty TNHH Rượu Phú Lộc. Theo ông Hoàng Hữu Vũ: Hiện có 60 hộ thường xuyên cung ứng rượu cho ông với phương thức công ty cấp men, gạo, than và thu về rượu, tiền công nấu 1 – 1,2 triệu đồng/người/tháng, giá 1 lít rượu tại thời điểm này là 16.000 đồng.

Có một điều đáng ghi nhận, tuy là làng rượu nhưng ở đây cách uống rượu rất văn hoá, không ai say xỉn, không ai mượn rượu để giải quyết công việc. Đây cũng là quy ước của làng từ xưa. Cả làng sống trong rượu nhưng việc thực hiện nếp sống văn hoá đã được ghi nhận bằng danh hiệu Làng văn hoá.
Nguồn: Báo Hải Dương

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT