Non nước Việt Nam

Nghề truyền thống ở Quảng Ninh - Bản sắc văn hoá

Cập nhật: 13/05/2008 09:05:01
Số lần đọc: 2745
Quảng Ninh là vùng đất có truyền thống lịch sử văn hoá lâu đời. Trải qua cuộc sống mưu sinh, chinh phục tự nhiên của các thế hệ cha ông đi trước đã bảo lưu được tới ngày nay nhiều nghề truyền thống, không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế - xã hội mà còn có ý nghĩa rất lớn về văn hoá và du lịch.

Kết quả thu được từ các cuộc khai quật tại nhiều di tích trên các đảo và ven bờ Vịnh Hạ Long, các nhà khảo cổ đã chứng minh được một trong những nghề lâu đời nhất, gắn liền với quá trình con người tới cư trú tại vùng đất Quảng Ninh ngày nay đó là nghề đánh bắt hải sản. Tại những di tích Văn hoá Hạ Long (khoảng 5000- 3500 năm cách ngày nay) như Thoi Giếng, Vạn Ninh (Móng Cái), Hòn Ngò (Tiên Yên), Ngọc Vừng (Vân Đồn), Cột 8, Tuần Châu (TP Hạ Long)… các nhà khảo cổ đã tìm thấy trong tầng văn hoá các dụng cụ để đánh bắt cá như “chì lưới” bằng đá cuội, dọi se sợi để đan lưới và rất nhiều xương cá, vỏ các loài nhuyễn thể con người đã ăn, thải ra như ốc, hà, sò, ngao, điệp v.v..


Sang đến giai đoạn đồ đồng - Văn minh Hùng Vương (khoảng 3500-2000 năm cách ngày nay), do kỹ thuật đúc đồng phát triển, các ngư dân ở Quảng Ninh khi ấy đã có thêm nhiều dụng cụ để đánh bắt hải sản và nghề này trở thành nghề chính, kế đến mới là săn bắn thú rừng và chăn nuôi, trồng trọt. Tại di tích Đầu Rằm, xã Hoàng Tân (Yên Hưng) nằm ngay bên bờ Vịnh Hạ Long, khai quật năm 1999, các nhà khảo cổ đã tìm thấy rất nhiều lưỡi câu bằng đồng với nhiều kích cỡ khác nhau, “chì lưới” bằng đất nung, các mũi nhọn, kim khâu vá lưới làm từ xương cá… Trải qua thời gian, nghề đánh bắt hải sản ở Quảng Ninh ngày nay đã phát triển với nhiều trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật hiện đại. Tuy nhiên, cách thức đánh bắt thủ công cổ truyền vẫn được bảo lưu như: nghề câu mực, câu cá song, chã, thuyền chài, đánh cá đèn, gõ thuyền đuổi cá, đánh hà, cào thiếp v.v..

 

Một nghề truyền thống cũng có bề dày không kém, và gần như ra đời cùng với nghề đánh bắt hải sản ở Quảng Ninh là nghề làm gốm. Xuất phát từ nhu cầu “ăn chín, uống sôi”, các cư dân cổ Văn hoá Hạ Long đã chế tác ra nồi gốm và các đồ gia dụng khác. Chất liệu để làm gốm gồm có đất sét, trộn với vỏ nhuyễn thể và xoa thêm cát để cho thêm độ cứng. Tuy nhiên, ở buổi sơ khai khi đó, các đồ gốm này thường có nhiệt độ nung thấp nên độ bền không cao. Hoa văn trang trí trên đồ gốm phổ biến là văn khắc vạch hình sóng nước, văn hình vỏ sò, vạch chéo quả trám, văn đập thừng…

 

Tất cả ý tưởng cho đến dụng cụ trang trí hoa văn, người cổ Văn hoá Hạ Long đều lấy từ những sản vật có sẵn ở tự nhiên tại Vịnh Hạ Long. Đến giai đoạn đồ đồng, nghề chế tác gốm đã được nâng lên trình độ mới. Đồ gốm thời kỳ này đã phong phú hơn về chủng loại, đa dạng hơn về hoa văn trang trí, cứng chắc hơn nhờ được nung ở nhiệt độ cao. Ngoài nhu cầu sử dụng trong đời sống thường nhật, người Việt cổ ở Hoàng Tân còn đưa sản phẩm của mình đi trao đổi hàng hoá với cộng đồng cư dân khác, ở sâu trong đồng bằng Bắc Bộ và tới Thanh Hoá. Tới các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn… nghề làm gốm ở Quảng Ninh vẫn phát triển cho dù sản phẩm không được tinh xảo như các làng gốm cổ nổi tiếng như Chu Đậu (Hải Dương), Kim Lan (Hà Nội), Phù Lãng (Bắc Ninh) v.v. Kế thừa truyền thống của cha ông đi trước, nghề gốm ở Quảng Ninh ngày nay đã và đang được duy trì và phát triển mạnh ở một số địa phương của huyện Đông Triều.

 

Một số nghề truyền thống khác tuy mới ra đời khoảng 40-50 năm nay nhưng đang phát triển khá mạnh ở Quảng Ninh, đó là nghề mỹ nghệ than đá và nuôi cấy ngọc trai. Nghề mỹ nghệ than đá phát triển mạnh ở TP Hạ Long và TX Cẩm Phả. Qua bàn tay tài hoa của những người thợ, các sản phẩm chế tác từ than đá như những con trâu, con nai, gạt tàn thuốc lá, hòn Gà Chọi Vịnh Hạ Long… có giá trị thẩm mỹ và giá trị kinh tế rất lớn, được khách du lịch trong nước và quốc tế ưa thích bởi vẻ đẹp và sự độc đáo về chất liệu của nó. Trong khi đó thì do những điều kiện tự nhiên thuận lợi, Vân Đồn là nơi nghề nuôi cấy ngọc trai phát triển. Tại đây có bốn loài trai có giá trị gồm trai Mã Thị, trai Vỏ Dày, trai Cánh Dài và một loài nhập ngoại là trai Jamson. Đây là những loài trai ngọc rất quý, có giá trị xuất khẩu cao. Nghề nuôi cấy ngọc trai ở Vân Đồn đã thu hút, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động trong và ngoài tỉnh và hứa hẹn sẽ ngày càng phát triển…

 

Trong những năm qua, tỉnh đã và đang quan tâm, tạo điều kiện để các làng nghề truyền thống phát triển, vừa tạo thêm các mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao, vừa bảo tồn được bản sắc văn hoá vùng công nghiệp mỏ, đồng thời tạo thêm những địa chỉ tham quan du lịch hấp dẫn. Có dịp theo tàu ra Vịnh Bái Tử Long, đến thăm các ngư trường nuôi cấy ngọc trai ở Vân Đồn, dưới ánh nắng ban mai lấp loá của những giàn phao, lưới lồng nhấp nhô trải dài theo con sóng, hẳn du khách sẽ rất ngỡ ngàng, thích thú bởi cảnh vật nơi này.

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT