Non nước Việt Nam

Đám cưới người Pà Thẻn (Tuyên Quang)

Cập nhật: 06/05/2008 08:05:34
Số lần đọc: 3487
Người Pà Thẻn ở Tuyên Quang không nhiều, khoảng gần 700 nhân khẩu hiện đang sinh sống ở thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang và thôn Khuổi Hóp, xã Linh Phú (Chiêm Hoá).

Đối với người Pà Thẻn, hôn lễ là một trong những nghi lễ quan trọng trong một đời người. Khi người con đến tuổi dựng vợ, gả chồng, người ta thường phải xem tuổi có hợp nhau hay không rồi mới tiến hành các nghi lễ dạm hỏi.


Nghi thức trong đám cưới của người Pà Thẻn diễn ra 4 giai đoạn. Đầu tiên là đi hỏi. Nhà trai nhờ hai người trong làng mang hai chai rượu đến nhà gái đặt vấn đề thăm dò ý của nhà gái. Nếu nhà gái đồng ý thì giai đoạn tiếp theo nhà trai sẽ chọn ngày để tiếp tục nhờ hai nguời đến nhà gái hỏi xem thách cưới bao nhiêu, tổ chức ăn uống như thế nào. Cũng như đi hỏi, lần này hai người mang theo hai chai rượu. Thường thì nhà gái thách cưới một đùi lợn, 4 con gà trống thiến, 25 đến 30 đồng bạc và 12 chai rượu. Lần thứ ba, nhà trai mang đến nhà gái 4 chai rượu và một ít bạc trắng để thống nhất ngày tổ chức đám cưới. Trong ngày cưới, nhà trai chuẩn bị 2 con lợn, 4 con gà trống thiến, 12 chai rượu. Đoàn đi đón dâu gồm 12 người, trong đó có thầy chính (Tà po), thầy phụ để làm lễ ở nhà trai và nhà gái, 6 người trong làng, chú rể, rể phụ.

 

Trước hôm đón dâu, nhà gái phải làm lễ gồm 1 đùi lợn, 1 đầu lợn sống xin cho cô gái đi làm ma nhà chồng. Ngày đón dâu, khi tới nhà gái, đoàn nhà trai phải đợi ở ngoài cửa để chờ cúng thổ công. Nhà gái bày một mâm gồm thịt nạc, 1 chai rượu, 12 chén rượu ra trước sân nhà. Đại diện nhà gái rót rượu, gắp thịt cho nhà trai ăn và đại diện nhà trai cũng gắp thịt, mời rượu nhà gái. Sau đó, một nguời thay mặt cho họ nhà gái đứng ở cửa đón nhà trai, trải một chiếc chiếu trước nhà cho Tà po đọc bài Khua ta (bài xin vào nhà). Trong lúc Tà po đọc bài Khua ta, người con rể phải cúi lạy họ hàng, cha mẹ nhà gái. Khi Tà po đọc xong, đại diện nhà gái cất chiếu, nhà trai mới được vào nhà. Đoàn nhà trai ở lại nhà gái một đêm để nhà gái giới thiệu từng người trong gia đình với chú rể. Tới sáng hôm sau, nhà gái làm lễ cúng tổ tiên, bàn giao cô dâu cho nhà trai.

 

Ba ngày sau thì làm lễ lại mặt, hai vợ chồng và hai người đại diện nhà trai về nhà bố mẹ vợ làm lễ thắp hương cúng tổ tiên.


Đám cưới thường được tổ chức trong ba ngày. Thông thường, những gia đình không có con trai thì phải cưới rể. Chú rể sẽ ở hẳn nhà vợ để gánh vác mọi việc gia đình, nuôi dưỡng bố mẹ già, thờ cúng tổ tiên và thừa kế tài sản khi bố mẹ qua đời.

 

Hiện nay, đám cưới của dân tộc Pà Thẻn vẫn tổ chức đầy đủ theo nghi lễ truyền thống. Tuy nhiên, thời gian cưới diễn ra ngắn hơn, không còn tục thách cưới bằng bạc trắng. Đặc biệt, mọi người dự đám cưới đều mặc trang phục của dân tộc Pà Thẻn.

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT