Non nước Việt Nam

Vũ điệu Cơtu (Quảng Nam)

Cập nhật: 06/05/2008 11:05:01
Số lần đọc: 2590
Khi những đàn én dang cánh rộng vẫy vùng trong nắng mới, những bông hoa Pơlang khoe những sắc màu rực rỡ, những cây xanh nhú lộc đơm chồi non, người Cơtu ở khắp vùng thấp, vùng cao dọc Trường Sơn đại ngàn hùng vĩ đã hoàn tất việc thu hoạch lúa mùa trên nương rẫy.

Khi thóc, ngô đã chất đầy nhà, đầy zơng (chòi), đàn trâu, bò, gà, lợn... nuôi đã đủ béo, người Cơtu ở các huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang tươm tất chuẩn bị đón chào camoo tamêê (năm mới). Trong nhịp điệu cồng chiêng rộn ràng, những dịp như thế du khách gần xa lại được khám phá, chiêm ngưỡng vẻ đẹp truyền thống, dân dã, đậm nét riêng đặc sắc của người Cơtu và ấm lòng với điệu múa Ttung,  Zază (tung tung da dá)...

Những điệu nhảy Ttung của những chàng trai Cơtu tay cầm giáo mác, mang dáng dấp của hồn sông núi trông khỏe khoắn, dứt khoát. Những điệu múa Zază của thiếu nữ Cơtu rất nhịp nhàng, nhún chân đều theo nhịp trống rất đẹp mắt và quyến rũ. Điệu Ttung, Zază hòa quyện nhau đưa du khách về với cội nguồn, du dương trong huyền thoại. Trước Gươl, con trâu đã được cột vào trụ Xnur vững chãi, dân làng đã góp mặt đông đủ, cồng chiêng đã bắt đầu giục. Già làng chuẩn bị cúng tế thần linh và khấn theo luật tục. “Ơ..., các thần núi rừng, giàng trong làng xóm là một đừng ai xấu với ai, cầu cho nhiều lúa gạo, ngô bắp, của cải, ché chiêng; chặn điều xấu điều ác, giữ cho chúng tôi sức khỏe và sống lâu; hồn ông bà ban cho con cháu ấm no hạnh phúc...”. Già làng vừa dứt lời, chiêng trống lại nổi lên rộn rã, các chàng trai, cô gái Cơtu nhảy múa quanh con trâu, tiếng hú hò (taroóh, tacóch) vang lên...

Không những vì vẻ đẹp độc đáo của vũ điệu Ttung, Zază mà du khách còn bị lôi cuốn bởi sức quyến rũ của những bộ khố, bộ váy đầy màu sắc lung linh, rực rỡ. Ở đây, khố đóng của đàn ông không cầu kì, rườm rà, mà rất giản đơn, lộ thân hình cường tráng của người con trai núi rừng. Đối với bộ váy nữ thì rất cầu kì, nhiều màu sắc cùng các chuỗi cườm đan xâu trong từng sợi vải tạo thành những dòng hoa văn rất độc đáo, đặc sắc. Thiếu nữ Cơtu đeo cườm trước ngực, tạo nên vẻ đẹp rất riêng. Tất cả những đường nét đó hợp lại khiến cho điệu Ttung, Zază thêm sống động.

Ngày xưa, múa Ttung, Zază là một hình thức vui chơi của người Cơtu, nhưng đối với xu hướng hội nhập như ngày nay thì múa hát cồng chiêng của đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung (trong đó có điệu múa Ttung, Zază) không những để vui chơi, giải trí mà còn là loại hình văn hóa truyền thống đặc sắc, hấp dẫn du khách. Hiện nay, điệu Ttung, Zază vẫn còn được lưu giữ ở hầu hết các làng bản (carơnoon) người Cơtu. Mỗi dịp lễ hội hay đón chào năm mới, người Cơtu lại nô nức đi trẩy hội múa hát cồng chiêng. Ở xã Sông Kôn (huyện Đông Giang) đã có lần tổ chức "Liên hoan múa hát cồng chiêng xã Sông Kôn lần thứ I", một hoạt động rất đáng khích lệ, vừa giáo dục, lưu truyền và gìn giữ, quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống của người Cơtu.

Nguồn: Báo Quảng Nam

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT