Hoạt động của ngành

Kiên Giang: Tiềm năng du lich biển đảo đang phát triển

Cập nhật: 15/10/2009 09:46:41
Số lần đọc: 2547
Kiên Giang được biết đến là một tỉnh ven biển ở phía Tây Nam với nhiều địa danh du lịch nổi tiếng như: Phú Quốc, Hà Tiên, Kiên Lương... Vùng đất này đã và đang mở ra thế đột phá lấn biển, khai thác tiềm năng biển, đảo làm giàu cho quê hương, đất nước.

Ngày 9/9/2009 vừa qua, Kiên Giang đã khởi công dự án khu đô thị mới Phú Cường - Kiên Giang trên phần đất lấn biển của TP. Rạch Giá. Dự án có tổng diện tích quy hoạch trên 146 hécta với tổng vốn đầu tư dự kiến 11.500 tỷ đồng nhằm xây dựng khu đô thị phức hợp chất lượng cao, gồm có: trung tâm thương mại, trung tâm dịch vụ với khách sạn 4 sao, bệnh viện quốc tế đạt chuẩn 5 sao, khu du lịch 5 sao... Bao quanh các trung tâm lớn là khu dân cư có khả năng đáp ứng chỗ ở cho 15.000 người.

 

Cũng trên khu lấn biển TP.Rạch Giá, công trình xây dựng khách sạn Hải Đăng cao 17 tầng với vốn đầu tư hơn 60 tỷ đồng đang trong giai đoạn hoàn thành. Đây là hai trong 5 khu vực với diện tích 435 hécta lấn biển đã xây dựng nhiều công trình kỹ thuật hạ tầng của tỉnh Kiên Giang. Điều này cho thấy, việc lấn biển Rạch Giá của Đảng bộ và nhân dân Kiên Giang đã thực sự mang lại hiệu quả to lớn.

Chuyện "dời non, lấp biển" của Kiên Giang chưa dừng lại ở đó. Hiện Kiên Giang đang triển khai các dự án: Khu đô thị lấn biển Rạch Sỏi với diện tích 151 hécta, khu đô thị lấn biển Vĩnh Quang 210 hécta. Là một tỉnh nằm tận cùng phía Tây Nam Tổ quốc, Kiên Giang có 105 hòn đảo lớn, nhỏ. Trong đó, 43 hòn đảo có dân cư, hình thành 2 đơn vị hành chính cấp huyện là Phú Quốc và Kiên Hải. Ngoài ra còn có 3 xã đảo thuộc các huyện đất liền là: Hòn Nghệ, Sơn Hải (huyện Kiên Lương), Tiên Hải (TX.Hà Tiên). Với bờ biển dài hơn 200km, vùng ven biển của Kiên Giang có đến 43 xã, phường, thị trấn của 7 đơn vị hành chính cấp huyện. Tính ra, vùng biển Kiên Giang rộng đến hơn 63.000km2, chiếm 21% diện tích vịnh Thái Lan.

 

Tỉnh Kiên Giang còn đề ra 2 mục tiêu quan trọng: Xây dựng Rạch Giá trở thành thành phố loại II; xây dựng Phú Quốc thành trung tâm kinh tế lớn của vùng và phấn đấu đến năm 2020 trở thành trung tâm du lịch sinh thái chất lượng cao và trung tâm giao thương quốc tế.

 

"Hòn đảo ngọc" Phú Quốc được xem là đảo lớn nhất và đông dân nhất của Việt Nam với những địa danh du lịch như: gành Dinh Cậu, suối Tranh, suối Đá Bàn, bãi Sao, mũi Gành Dầu, bãi Dài, bãi Trường... Đặc biệt, Vườn quốc gia Phú Quốc - nơi sinh sống của 429 loài thực vật, 144 loài động vật cùng với những sản vật Phú Quốc đã trở thành thương hiệu nổi tiếng như: nước mắm, ngọc trai, hồ tiêu, rượu sim... tạo ra sức hút mạnh mẽ đối với du khách và các nhà đầu tư. Hiện nay, hàng ngày có từ 5 - 6  chuyến bay từ TP.Hồ Chí Minh ra Phú Quốc và có 5 tàu cao tốc chạy  tuyến Rạch Giá - Phú Quốc. Phú Quốc cũng đã khởi công xây dựng sân bay quốc  tế, đang xúc tiến đầu tư xây dựng các cảng cá ở vũng Trâu, gành Dầu, khu tránh bão và làng cá vịnh Đầm, luồng vào sông Dương Đông.

 

 

Xác định thế mạnh lớn nhất là kinh tế biển và du lịch, Phú Quốc đang tập trung tăng cường việc đánh bắt gắn với bảo vệ tốt nguồn lợi thủy sản và môi trường sinh thái biển, bảo đảm phát triển bền vững và ổn định phục vụ tốt du lịch. Mặt khác, huyện đảo này khuyến khích ngư dân chuyển từ đánh bắt sang nuôi trồng các loại thủy sản.

 

 

Nguồn: Website Đồng Nai

Cùng chuyên mục