Hoạt động của ngành

Du lịch Thái Bình phát huy thế mạnh tiềm năng

Cập nhật: 15/10/2009 10:10:49
Số lần đọc: 3650
Là tỉnh đồng bằng vùng châu thổ sông Hồng, Thái Bình được bao bọc bởi bốn bề sông nước hữu tình, trong đó ba mặt giáp sông, một mặt giáp biển, có nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên, du lịch nhân văn mang tính đặc trưng, đa dạng, phong phú.

Nổi tiếng một thời là "quê hương năm tấn", Thái Bình tự hào với vẻ đẹp đặc trưng nhất của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng - cái nôi của nền văn minh lúa nước với những miền quê thanh bình, xanh tươi, trù phú; những biển lúa mênh mông chín vàng thẳng cánh cò bay; dưới lòng đất lại giàu tiềm năng khí đốt, nước khoáng và có vỉa than nâu trữ lượng lớn nhất miền Bắc. Tuy nhiên, một trong những lợi thế nổi trội của Thái Bình lại là du lịch biển mà thời gian gần đây đang trỗi dậy tiềm năng. Với trên 53 km bờ biển gồm nhiều bãi ngang rộng và hàng vạn km2 lãnh hải, vùng biển Thái Bình không chỉ đa dạng về ngành nghề nông, lâm, ngư nghiệp mà còn tạo nhiều điều kiện cho tỉnh tăng cường khả năng khai thác các dịch vụ tổng hợp nguồn lợi biển, trong đó có phát triển du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển, thể thao thuận lợi. Đó là khu du lịch biển Đồng Châu, Cồn Vành tại huyện Tiền Hải, Cồn Đen tại huyện Thái Thuỵ mà vừa qua đang được quy hoạch xây dựng thành khu du lịch sinh thái, vui chơi giải trí lớn của đồng bằng sông Hồng.

 

Ngoài ra Thái Bình còn có lợi thế với nguồn tài nguyên nhân văn phong phú, tiêu biểu cho nền văn hoá vùng đồng bằng Bắc Bộ, đậm đà bản sắc dân tộc. Đó là các lễ hội truyền thống cùng những loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc. Theo thống kê, toàn tỉnh có 2.164 di tích, trong đó có 386 di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh và 91 di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia. Các di tích được phân bố tương đối tập trung và hình thành một số cụm thuận lợi cho phát triển du lịch, như cụm di tích trên địa bàn Thành phố Thái Bình và khu vực phụ cận; cụm di tích Đền Đồng Bằng trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ; cụm di tích Đền thờ các vua Trần huyện Hưng Hà; cụm di tích Chùa Keo (Vũ Thư)... Chỉ tính trên địa bàn huyện Hưng Hà - mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi phát tích hưng nghiệp nhà Trần hiện còn lưu giữ bảo tồn được 552 di tích, trong đó có 22 di tích được xếp hạng quốc gia, 60 di tích xếp hạng cấp tỉnh gắn liền với hàng trăm lễ hội văn hoá có quy mô khác nhau, trong đó có hai lễ hội có phạm vi lớn được cả nước biết đến là lễ hội Đền Tiên La và lễ hội Đền Trần. Thái Bình từng được coi là vùng quê có đời sống văn hoá tinh thần  phong phú, say sưa với "sáng rối, tối chèo". Nào là chiếu chèo làng Khuốc (Đông Hưng), Sáo Đền (Vũ Thư), Hà Xá (Hưng Hà); rối nước làng Nguyễn, làng Đống; ca trù Đồng Xâm; múa giáo cờ giáo quạt ở Đông Tân (Đông Hưng); múa ông Đùng, bà Đà ở Thái Thuỵ; múa kéo chữ ở Quỳnh Phụ... cùng nhiều trò chơi, trò diễn dân gian phong phú, nổi danh một thời nay vẫn được bảo lưu và phát huy, đã và đang trở thành "đặc sản" văn hóa du lịch độc đáo của miền quê lúa. Bên cạnh đó, Thái Bình còn có hơn 170 làng nghề ẩm thực và thủ công mỹ nghệ truyền thống như bánh cáy làng Nguyễn, bánh đa Quỳnh Phụ, chạm bạc Đồng Xâm, thêu ren Minh Lãng, đũi Nam Cao, dệt Phương La, mây tre đan, thảm, chiếu cói, lụa tơ tằm v.v.. tạo nên sự hấp dẫn, thu hút sự tìm hiểu và thưởng thức của đông đảo du khách. Là mảnh đất địa linh nhân kiệt anh hùng, trải qua chiều dài lịch sử dựng và giữ  nước, Thái Bình còn gắn liền với những cái tên danh nhân lịch sử văn hóa, anh hùng kháng chiến như Bát nạn tướng quân Vũ Thị Thục Nương; Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung; Tướng quân Trần Thủ Độ; Kỳ đồng Nguyễn Văn Cẩm; Nhà bác học Lê Quý Đôn; Tướng quân Trần Lãm; Lễ nghi Học sỹ Nguyễn Thị Lộ; ông tổ nghề dệt Phạm Đôn Lễ; nhà cách mạng Nguyễn Đức Cảnh v.v.. mà hiện nhiều di tích thờ cúng nổi tiếng linh thiêng, đang thu hút du khách trong và ngoài nước về thăm viếng, tìm hiểu và học tập.

 

Những năm qua, Thái Bình đã đón hàng triệu lượt du khách với tốc độ tăng trưởng du khách nội địa hàng năm đạt trung bình 13,6%, du khách quốc tế tăng 17,4%. Tổng doanh thu du lịch của Thái Bình giai đoạn 2001 - 2008 đạt 450 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 22,15%/năm. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do khủng hoảng kinh tế toàn cầu nhưng lượt khách du lịch đến với Thái Bình năm 2009 vẫn ước đạt 330.000 người, tăng 3,8% so cùng kỳ năm 2008, trong đó có 6.500 lượt khách quốc tế, doanh thu ước đạt 105 tỷ đồng.

 

Để du lịch Thái Bình phát triển đóng góp vào sự phát triển chung của du lịch đồng bằng sông Hồng, Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh xác định: "Phát triển các loại hình du lịch, khuyến khích và tạo điều kiện cho các dự án đầu tư vào kinh doanh du lịch. Quy hoạch, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng du lịch Cồn Vành, nâng cấp khu du lịch Đồng Châu và một số điểm du lịch gắn với di tích lịch sử văn hóa khác. Xây dựng các trung tâm vui chơi, giải trí và một số khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 - 5 sao tại Thành phố… Tích cực đổi mới, tăng cường công tác đầu tư, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển du lịch với tốc độ nhanh và bền vững, tăng cường đổi mới phương thức kinh doanh, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và sức hấp dẫn của sản phẩm du lịch, xây dựng các điểm, khu du lịch, hình thành hệ thống tuyến du lịch trong tỉnh liên kết với du lịch trong nước và quốc tế".

 

Hoạt động du lịch Thái Bình đã có sự phát triển với những tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên để trở thành một ngành kinh tế quan trọng của tỉnh thì còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa. Với sự vào cuộc và giúp đỡ, tạo điều kiện của các ngành, các cấp, tin rằng du lịch Thái Bình sẽ phát huy thế mạnh tiềm năng, bứt phá lớn mạnh trong thời gian không xa.

Nguồn: Thái Bình

Cùng chuyên mục