Hoạt động của ngành

Lễ hội Ka Tê 2009 (Bình Thuận): Phát huy giá trị văn hóa Chăm truyền thống

Cập nhật: 15/10/2009 11:10:53
Số lần đọc: 2239
Để giúp bạn đọc hiểu hơn về lễ hội Ka Tê diễn ra vào trung tuần tháng 10/2009, trao đổi với ông Lâm Quang Hiền - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch về sự kiện văn hóa đặc sắc của cộng đồng người Chăm theo đạo Bàlamôn sắp tới...

PV: Văn hóa - nghệ thuật truyền thống dân tộc Chăm vốn dĩ độc đáo, vì vậy việc tổ chức lễ hội Ka Tê tại nhóm đền tháp Pô Sah Inư năm nay, có nét gì mới hơn so với những lễ hội Ka Tê trước đó, thưa ông ?

Ông Lâm Quang Hiền: Ka Tê là một trong những lễ hội văn hóa dân gian truyền thống của người Chăm có từ hàng trăm năm trước, mang đậm giá trị văn hóa tinh thần đặc sắc. Ka Tê có thể được coi là lễ hội đại diện cho các lễ hội văn hóa truyền thống của người Chăm theo đạo Bàlamôn. Vì vậy, tất cả những đặc trưng của văn hóa truyền thống trong lễ hội phải được giữ nguyên trạng từ phần “lễ” đến phần “hội”. Cũng như mọi năm, lễ hội KaTê diễn ra trên nhóm đền tháp Pô Sah Inư  vẫn không có gì thay đổi. Tuy nhiên, lễ Tống ôn - một trong những nghi thức mở đầu  cho lễ hội Ka Tê sẽ không thực hiện, vì theo truyền thống nghi thức này 3 năm mới thực hiện một lần. nhằm tống khứ những điều không may mắn trong thôn, xóm và xua đuổi tà ma hay những điều xui xẻo trong từng gia đình người Chăm, làng Chăm trước khi đón năm mới.

 Thưa ông, lễ hội Ka Tê năm nay sẽ do chức sắc tôn giáo của huyện Hàm Thuận Bắc trực tiếp điều hành như mọi năm?

Về nội dung, lễ hội KaTê trên tháp Pô Sah Inư vẫn giống như mọi năm theo quy định từ trong văn hóa truyền thống của người Chăm không hề có sự thay đổi nào. Về phần lễ nghi và phần hội, lúc nào cũng do các vị chức sắc tôn giáo người Chăm theo đạo Bàlamôn trực tiếp thực hiện và điều hành cụ thể ở các phần “nghinh, thỉnh, rước” trang phục của nữ thần Pô Sah Inư từ nơi cất giữ ở xã Hàm Phú (Hàm Thuận Bắc) về tháp Pô Sah Inư cúng lễ đến khi kết thúc.

 Thông thường, lễ hội Ka Tê bao giờ cũng có phần “lễ” và “hội”, làm thế nào để gắn kết xuyên suốt cả chương trình để phần lễ vẫn thu hút được công chúng, thưa ông?

Đúng vậy. Lễ hội Ka Tê bao giờ cũng có phần “lễ” và phần “hội”. Trên thực tế có hai phần riêng biệt như vậy,  nhưng rõ ràng trong phần  “lễ” đã có “hội” và ngược lại trong “hội” đã có “lễ”.

Sau các nghi lễ thực hiện trong lòng tháp như mở cửa tháp, lễ tắm bệ thờ Linga- Yoni, lễ mặc trang phục cho vị thần được thờ, sẽ đến phần đại lễ thực hiện ở ngoài tháp. Đại lễ được cúng để tưởng nhớ tổ tiên, ông bà, các vị thần linh nhưng được lồng vào đó một phần hội, thể hiện qua những động tác múa dâng lễ vật. Tuy nhiên, mỗi phần có nội dung khác biệt với số lượng người tham gia nhất định. Đồng thời, phần “lễ” và phần “hội” luôn luôn có không gian và thời gian nhất định và đan xen nhau. Nhưng nổi bật chính là phần hội, các nghi thức “nghinh, thỉnh, rước” được xem là điểm nhấn của lễ hội Ka Tê. Phần “lễ” diễn ra lặng lẽ do các chức sắc và những người hầu lễ thực hiện bên trong và bên ngoài lồng tháp. Dù lặng lẽ, nhưng phần này thu hút lượng du khách tham quan và nghiên cứu rất lớn, bởi nét dân gian trong các bài văn tế, điệu múa, lễ nghi, tiếng kèn Saranai, tiếng trống Ghi năng, những món ẩm thực…

 Lễ hội Ka Tê truyền thống gắn chặt với đồng bào Chăm hàng trăm năm qua, thế nhưng việc tổ chức lễ hội ngay trung tâm thành phố liệu đồng bào Chăm nghèo có cơ may thưởng lãm hay không? Ban tổ chức lễ hội Ka Tê có kế họach đưa lễ hội Ka Tê đến gần với đồng bào dân tộc thiểu số hơn không?

Tất nhiên, lễ hội KaTê truyền thống luôn gắn chặt với cộng đồng người Chăm hàng trăm năm. Vì vậy, việc tổ chức lễ hội là xuất phát từ nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của mọi người dân và của cộng đồng. Không phải chúng tôi muốn tổ chức lễ hội KaTê ở trung tâm thành phố, mà trên thực tế khỏang 2/3 thế kỷ trước, tại tháp Pô Sah Inư các thế hệ người Chăm trước đã thường xuyên tổ chức. Thế nhưng, do chiến tranh cùng với sự cách trở về điều kiện kinh tế không cho phép , nên lễ hội Ka Tê tại tháp PôSah Inư tạm ngưng một thời gian. Và 5 năm trở lại đây, Sở văn hóa Thể thao và du lịch được sự cho phép của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch tiến hành nghiên cứu, phục dựng thành công lễ hội Ka Tê. Cộng đồng người Chăm trong, ngoài tỉnh tán thành và ủng hộ. Từ đó đến nay, lễ hội luôn được thực hiện và phát huy các giá trị văn hóa của người Chăm và phục vụ du lịch phát triển. Ngoài việc tổ chức lễ hội KaTê tại tháp Pô Sah Inư nhằm ngày mùng một tháng bảy Chăm lịch là ngày chính của lễ hội, thì người Chăm cư trú ở các địa phương có đền thờ cũng tổ chức lễ hội Ka Tê với hình thức và nội dung tương tự như ở tháp Pô Sah Inư, với thời gian chậm hơn 1 tháng KaTê theo quy định của tổ tiên.

 Xin  cảm ơn ông.

Nguồn: Bình Thuận

Cùng chuyên mục