Quảng Nam: Đánh thức tiềm năng du lịch Tây Giang
Là một huyện miền núi thuộc tỉnh Quảng Nam, Tây Giang có địa hình đa dạng và phong phú: Thắng cảnh đẹp, cung đường Trường Sơn huyền thoại, cụm địa đạo A-Nông, các lễ hội dân gian, lễ hội truyền thống, lễ hội kết nghĩa, lễ đâm trâu... Ngoài ra, với một không gian văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc CơTu, đây là những tiềm năng giúp Tây Giang phát triển du lịch.
Địa đạo A-Nông, nơi nuôi dưỡng truyền thống cách mạng
Cụm địa đạo A-Nông được đào từ những năm 1965 - 1969, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ vào giai đoạn ác liệt nhất. Đơn vị công binh 43 của Bộ đội Trường Sơn cùng dân quân du kích địa phương và đồng bào trong vùng tham gia đào địa đạo. Đây là nơi trú ẩn an toàn cho hàng trăm con người ở thời điểm máy bay Mỹ ném bom rải thảm. Trong lòng địa đạo vẫn còn nguyên những trạm cứu thương, nơi chứa lương thực dự trữ, hầm làm việc, nơi trú quân...
Tháng 8/2008, cụm địa đạo A-Nông, xã A-Nông được “phát lộ”. Các cơ quan chức năng huyện Tây Giang đã tổ chức nhiều đợt khảo sát, phát hiện tất cả 5 địa đạo tại A-Nông, gồm: Tâm Abóc, Chrun, Abuôl, Bhnơm và Lbơơi. Tháng 7/2009, Uỷ ban Nhân dân tỉnh quyết định công nhận cụm địa đạo A-Nông là di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh.
Cụm địa đạo A-Nông nằm gần với tuyến đường Đông Trường Sơn năm xưa, nên có rất nhiều đoàn khách đến đây. Cuộc hành quân về nguồn, thăm đường Hồ Chí Minh, thăm địa đạo A-Nông của tuổi trẻ huyện Tây Giang giữa tháng 8/2009 vừa có ý nghĩa giáo dục truyền thống sâu sắc vừa góp phần “khai mở” tuyến du lịch mới này. Huyện Tây Giang cũng đã tổ chức phát lối mở đường, dựng những lán trại tạm ven đường làm nơi nghỉ ngơi của người dân khi đến thăm địa đạo.
Tương lai không xa, cụm địa đạo A-Nông trở thành điểm nhấn quan trọng trong quy hoạch tổng thể về phát triển du lịch Tây Giang, tạo điều kiện thuận lợi trong việc đầu tư phát triển các tour du lịch về nguồn, du lịch sinh thái của vùng đất Quảng Nam.
Tự hào làng cổ Cơ Tu
Làng cổ CơTu được xây dựng trên đỉnh đồi tựa lưng vào rừng tại thị trấn Tơ Viêng, gồm 10 ngôi gươl đại diện cho 10 xã của huyện, mang đậm dấu ấn của đồng bào CơTu sinh sống ở 3 vùng cao, trung và thấp.
Đứng trước ngôi làng, bạn có thể nhận thấy nét độc đáo này qua mái lợp của các gươl với loại lá nón là đặc trưng của đồng bào dân tộc CơTu vùng thấp ở các xã Dang, A Vương, Ba Lêê; lá mây là sản vật của vùng trung ở xã A Tiêng, Lăng và lá tranh là đặc trưng của đồng bào vùng cao ở các xã ChƠm, TrHy, Ga Ri, A Xan... Ngoài ra, trong từng ngôi nhà, nét kiến trúc và trang trí cũng khác nhau thể hiện đời sống văn hóa, tinh thần phong phú của đồng bào.
Làng cổ CơTu còn được trưng bày ngôi nhà dài của một đại gia đình sinh sống lâu đời ở vùng cao Chơm vừa được sưu tập. Ngôi nhà có chiều dài gần 30m, có tuổi hơn 100 năm và trước đây là “tổ ấm” của hơn 100 nhân khẩu trong một đại gia đình có nhiều thế hệ cùng sống chung. Ngước lên trần nhà, những thớ gỗ sần sùi đen óng ánh, những sừng, da thú và các loại cung, nỏ, giáo mác... gợi lên những cảm quan, hoài niệm về cuộc sống hoang sơ của bao tộc người giữa đại ngàn Trường Sơn.
Đến làng cổ CơTu Tây Giang, bạn sẽ được trở về với không gian linh thiêng của lễ hội. Sẽ ngất ngây trong rượu cần, rộn rã cồng chiêng với vũ điệu tung tung da dá dâng trời. Những cánh tay con trai mạnh mẽ cầm nỏ, cầm gươm giương cao lên trời biểu hiện sức mạnh, ý chí và khát vọng chinh phục thiên nhiên, chống lại thiên tai địch họa, gìn giữ buôn làng; những bước chân con gái dịu dàng uyển chuyển, những bàn tay như búp măng nâng cao ngang vai biểu hiện tình yêu chung thủy của người con gái CơTu, ao ước mong cho đất trời mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, mọi người mạnh khỏe.
Tây Giang hoang sơ, mộc mạc, thanh bình và tự nhiên. Trong một không gian tĩnh lặng giữa đại ngàn, quây quần bên bếp lửa hồng, lắng nghe những câu chuyện sử thi của người CơTu, thưởng thức các điệu hát múa truyền thống với âm vang cồng chiêng sôi động của núi rừng, bạn sẽ cảm nhận nhiều hơn những nét văn hoá độc đáo, ấm áp của đồng bào dân tộc để từ đó mà thêm yêu hơn vùng đất miền cao anh hùng này.