Hoạt động của ngành

Phong phú tiềm năng du lịch Si Ma Cai (Lào Cai)

Cập nhật: 22/10/2009 08:30:27
Số lần đọc: 2208
Huyện Si Ma Cai được tách ra từ huyện Bắc Hà năm 2000, với diện tích tự nhiên gần 23.500 ha, dân số 30.859 người thuộc 11 dân tộc anh em, trong đó dân tộc Mông chiếm gần 80% dân số của huyện. Thị trấn huyện cách thành phố Lào Cai 94 km, cách địa danh du lịch nổi tiếng Bắc Hà 28 km.

Những năm trước đây, muốn đến được Si Ma Cai chỉ có cách tốt nhất là đi bộ từ Bắc Hà. Người khoẻ đi nhanh cũng phải mất 7 đến 8 tiếng đồng hồ, còn người bình thường đi phải mất cả một ngày đường. Cuộc sống của người dân ở đây mang tính tự cung, tự cấp, trao đổi với nhau bó hẹp trong địa bàn huyện. Từ khi tách ra khỏi Bắc Hà, cơ sở hạ tầng của huyện được đầu tư một cách mạnh mẽ, đặc biệt tuyến đường từ Bắc Hà - Si Ma Cai đã được trải nhựa từ cuối năm 2001, việc đi lại từ đó được thuận tiện, dễ dàng (đến thời điểm hiện tại đã có từ 7 đến 10 chuyến xe khách đi lại trong ngày lưu thông giữa Si Ma Cai với thành phố Lào Cai và các huyện khác).

Từ Lùng Phình( Bắc Hà) xuôi theo con dốc về phía Bắc khoảng 7 km là đến lòng chảo Cán Cấu. Do vị trí địa lý thuận lợi, từ lâu chợ Cán Cấu đã hình thành các mối buôn bán trâu, ngựa (đây được đánh giá là một trong những chợ trâu, ngựa lớn nhất miền Bắc, mỗi phiên chợ có hàng trăm con trâu, ngựa được mua bán tại đây). Chợ Cán Cấu không chỉ là nơi thu hút thương lái mang trâu từ miền  núi về miền xuôi mà còn thu hút khách du lịch, nhất là khách du lịch từ nước ngoài (mỗi phiên chợ có từ 50 đến 100 khách du lịch nước ngoài đến chợ). Nét hấp dẫn, sự khác lạ của chợ ở chỗ nơi đây không chỉ là nơi mua bán trâu, ngựa thông thường mà người mua và người bán còn được tìm hiểu phương thức canh tác, cách thức chăm sóc trâu, ngựa của đồng bào.

Từ Cán Cấu ngược dốc 10 km là đến trung tâm thị trấn Si Ma Cai. Đây là thị trấn vùng biên với các bản làng định cư lâu đời. Đến thị trấn Si Ma Cai, du khách sẽ được khám phá bản sắc văn hoá độc đáo của các dân tộc Mông, Nùng, Thu Lao... với các lễ hội đặc sắc, như lễ hội Gầu Tào, lệ hội Lồng Tồng, lễ cúng rừng...

Chợ Si Ma Cai họp vào chủ nhật hàng tuần với sắc màu thổ cẩm truyền thống và các sản phẩm thủ công dân gian được làm bằng tay như khăn, áo, váy... Đến chợ, du khách được thưởng thức rượu ngô Mản Thẩn, thắng cố, thịt lợn sữa, gà đen, vịt Sín Chéng... những đặc sản mà chắc chắn ai đã dùng một lần thì nhớ mãi trong đời.

Trong những năm qua, Si Ma Cai đã hình thành một số tua du lịch (Bắc Hà - chợ Cán Cấu - Quan Thần Sán (Si Ma Cai) - Hoàng Thu Phố (Bắc Hà), Bắc Hà - chợ Cán Cấu - Chợ Si Ma Cai - Bản Mế (Si Ma Cai) - Tả Gia Khâu (Mường Khương).

Trong tương lai, khi quốc lộ 4 nối liền từ Xín Mần (Hà Giang) qua Bắc Hà đến Si Ma Cai, qua Tả Gia Khâu (Mường Khương) hoàn thành, cùng với việc dâng nước đập thuỷ điện Bắc Hà sẽ mở ra tuyến du lịch trên sông Chảy. Đây có thể nói là tuyến du lịch có cảnh quan đẹp nhất Việt Nam với những vách đá dựng đứng, các hang động hầu như còn nguyên sơ và những cánh rừng bạt ngàn nằm dọc hai bên bờ sông. Đến đây, không những du khách được đi thuyền ngắm cảnh đẹp trên sông nước mà còn được thưởng thức những món ngon của vùng sông này như món cá chiên, cá trắng, cá sỉnh...

Cái khó của Si Ma Cai để phát triển du lịch là cơ sở hạ tầng tuy đã được đầu tư những vẫn trong tình trạng thấp kém: đường giao thông vẫn còn nhiều khó khăn, chưa có các dịch vụ để thu hút khách du lịch, chưa có đội ngũ hướng dẫn viên hiểu biết được phong tục tập quán, các lễ hội, các địa danh của huyện... Du khách muốn đến du lịch tại Si Ma Cai bằng bất kỳ hình thức nào đều phải thực hiện một số quy định do cơ quan chức năng đề ra, vì nơi đây nằm trong địa bàn biên giới. Điều này cũng gây một số cản trở cho du khách khi đến Si Ma Cai.

Nguồn: website báo Lào Cai

Cùng chuyên mục