Hoạt động của ngành

Làng Đông Dương (Quảng Bình): Bảo tồn và phát triển nghệ thuật ca trù

Cập nhật: 22/10/2009 10:39:17
Số lần đọc: 2133
Làng Đông Dương, xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình không chỉ là vùng quê có bề dày truyền thống văn hóa lịch sử lâu đời, có nhiều di tích, chiến tích xưa gắn liền với cuộc sống, sinh hoạt của mỗi người dân trong làng; nơi đây còn là "cái nôi" của địa điểm duy nhất ở Quảng Bình còn bảo tồn và phát triển nghệ thuật ca trù.

Theo gia phả của các dòng họ thì làng Đông Dương được hình thành cách đây khoảng 600 năm. Cả làng có một ngôi đình, còn mỗi dòng họ đều có nhà thờ, miếu thờ làm nơi thờ tự, gửi gắm tâm linh. Đây là vùng đất có nhiều lễ hội truyền thống dân gian. Những vị thần tổ của làng đến từ miền Bắc (nơi nghệ thuật ca trù phát triển nhất), vì thế ca trù đến với làng Đông Dương rất sớm.

Ca trù là nghệ thuật hát thơ độc đáo về nội dung và hình thức biểu diễn. Theo các bậc cao tuổi của làng kể lại thì ca trù có mặt ở đây đã trên 200 năm, từ thời Trịnh - Nguyễn phân tranh.

Trải qua nhiều biến cố của thời gian, ca trù cũng như nhiều loại hình nghệ thuật dân gian khác bị mai một và dần dần bị lãng quên. Từ khi có Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", các giá trị văn hóa, trong đó có ca trù dần dần được khôi phục và bảo tồn.

Vào các dịp lễ hội truyền thống của làng, người dân nơi đây thường hát những bài ngợi ca quê hương, đất nước, ca ngợi những vị tiền bối có công khai khẩn lập làng. Với những giá trị độc đáo về âm nhạc và ca từ, ca trù dần dần đi vào cuộc sống.

Được sự giúp đỡ của huyện và xã, làng Đông Dương đã thành lập câu lạc bộ ca trù nhằm sưu tầm những bài ca cổ, sáng tác thêm những bài ca mới và tổ chức tập luyện, biểu diễn, thu hút những nghệ nhân gắn bó với nghệ thuật ca trù đã hàng chục năm nay, vẫn giữ gìn và lưu truyền cho các thế hệ con, cháu, đi đầu trong những người tham gia câu lạc bộ, dốc hết tâm sức truyền đạt cho các hội viên về nghệ thuật ca trù.

Sau hơn 5 năm thành lập, đến đầu tháng 9 năm nay, câu lạc bộ ca trù của làng Đông Dương với 10 thành viên đã sưu tầm được 120 bài hát mở, hát phú, hát văn, hát khế...

Ông Lê Tấn Đạt, Chủ nhiệm câu lạc bộ ca trù làng Đông Dương cho biết, Đông Dương phải mất ba năm mới khôi phục lại được nghệ thuật ca trù. Trong suốt thời gian ấy, các thành viên trong câu lạc bộ đã tích cực tìm kiếm tư liệu cũ về ca trù và tổ chức tập luyện dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân cao tuổi trong làng.

Xuất thân từ một gia đình nghệ thuật, ông nội và bố đều là kép chính của các đoàn ca trù, ông Hồ Xuân Thể, một thành viên của câu lạc bộ đã đứng ra đảm nhiệm phần nhạc, truyền đạt kinh nghiệm sử dụng từng nhạc cụ cho các kép trong câu lạc bộ.

Ca trù của làng Đông Dương ngày nay không chỉ hát trong lễ hội truyền thống của làng mà còn tham gia và đoạt được giải cao trong các hội diễn do huyện và tỉnh tổ chức.

Đội ngũ đào, kép của câu lạc bộ ca trù làng Đông Dương ngày càng được trẻ hóa, tiếp tục sưu tầm, sáng tác, luyện tập để phục vụ nhân dân trong làng và các làng vùng lân cận. Ca trù thực sự gắn bó với đời sống của nhân dân nơi đây. Với họ, ca trù đã trở thành một sinh hoạt văn hóa không thể thiếu được, một món ăn tinh thần mang tính đậm đà bản sắc dân gian.

Khôi phục và phát triển nghệ thuật ca trù ở làng Đông Dương vừa góp phần tích cực vào việc bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể, vừa khơi dậy trong mỗi người dân tình yêu quê hương và ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa đặc trưng của làng quê.

 

Nguồn: Website Cinet

Cùng chuyên mục