Quảng Trị: Xây dựng bản du lịch cộng đồng của người Vân Kiều
Việc hình thành các bản làm du lịch cộng đồng sẽ giúp bà con dân tộc Vân Kiều, Pa Cô có điều kiện duy trì, phát triển, quảng bá các sản phẩm thủ công truyền thống như dệt thổ cẩm, nấu rượu cần, đan lát, làm nhạc cụ, đồng thời bảo tồn, gìn giữ các lễ hội văn hóa, ẩm thực mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Vân Kiều, Pa Cô. Thông qua phát triển du lịch cộng đồng để đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô có cơ hội khai thác, tiêu thụ các sản phẩm thủ công, tận dụng nguyên liệu sẵn có phục vụ du lịch nhằm từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Ngoài ra, chương trình PTNT Quảng Trị đã xúc tiến việc hỗ trợ đào tạo nghề dệt thổ cẩm truyền thống Vân Kiều do giảng viên Hồ Văn Hối, người Vân Kiều là nghệ nhân dệt thổ cẩm (tại khóm 1, thị trấn Khe Sanh, Hướng Hóa) về dạy cho 10 phụ nữ tại bản Ka Lu. Hiện tại, tổ dệt thổ cẩm bản Ka Lu đang hoạt động khá hiệu quả và đã có các sản phẩm mang đi tiêu thụ nhiều nơi trong tỉnh, góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên trong tổ. Tiến hành đào tạo nghề nấu rượu cần cho 5 hộ dân tại bản Ka Lu do giảng viên Hồ Văn Hùng, người Vân Kiều ở thôn Xa Vi (xã Hướng Hiệp, Đa Krông) trực tiếp hướng dẫn. Đào tạo nghề làm nhạc cụ dân tộc Vân Kiều như đàn Ta Lư, khèn A Mar, sáo... cho 5 người có tâm huyết, yêu thích với nghề làm nhạc cụ của bản Ka Lu do nghệ nhân Mai Sen (bản Ka Hẹp, xã Tà Rụt, Đa Krông) giảng dạy. Thành lập đội văn nghệ bản Ka Lu mà nòng cốt của đội là nam, nữ thanh niên bản Ka Lu có năng khiếu, yêu thích múa hát các làn điệu dân tộc Vân Kiều như Cà Lơi, Cha Chấp, Tà Oải, Xà Nớt... Đội văn nghệ sẽ do các nghệ nhân của bản Ka Lu hướng dẫn, chương trình PTNT hỗ trợ cồng chiêng cho đội văn nghệ bản Ka Lu.
Tổng kinh phí dự kiến mà Chương trình PTNT Quảng Trị hỗ trợ cho việc xây dựng 2 bản Ka Lu, Làng Cát làm du lịch cộng đồng là gần 400 triệu đồng.