Văn hóa ẩm thực ở vùng cao Nà Hang (Tuyên Quang)
Ví như canh củ đao, nộm hoa chuối rừng, canh hoa chuối, măng cuốn, măng nhồi, cá nướng. Đối với nhiều thực khách miền xuôi, cá nướng là sự kết hợp tài hoa các nguyên liệu của tự nhiên và gia vị. Để làm món cá nướng, bà con thường chọn các loại cá to, như chép, mè, trôi, trắm, từ 1 - 1,5 kg trở lên. Với một chút ớt tươi nướng, nghiền nát, hành tỏi, rau thơm rau mùi thái nhỏ, tất cả trộn đều nhồi vào bụng cá, sau đó dùng que xiên, nướng trên than hồng. Cùng với cá nướng là thịt trâu khô. Vào dịp lễ, tết,bà con thường không quên dành ra một lượng thịt trâu bắp (hoặc thịt không có gân, thật tươi) để nướng. Những gia vị không thể thiếu trong chế biến thịt trâu khô là sả, gừng, tỏi, ớt khô. Thịt trâu khô thường được đem ra đãi khách nhấp với hương vị rượu ngô khi thời tiết bắt đầu trở lạnh.
Tháng Chạp, khi trời đổ mưa phùn, trong cái ấm áp của mùa xuân cũng là lúc những mầm măng nhú lên tua tủa, thi nhau vươn chồi. Mănglà món quà núi rừng dành tặng riêng cho các dân tộc miền núi. Măng có thể làm được nhiều món: măng khô, măng cuốn, măng nhồi, măng đắng luộc chấm mẻ... Món nào cũng có hương vị riêng, đậm đà,khó quên.
Những ngày đông rét mướt, đến các xã vùng cao như Đà Vị, Yên Hoa, Khau Tinh, Hồng Thái... du khách còn được thưởng thức món canh rêu suối. Rêu suối có khá nhiều cách chế biến như: luộc, nấu canh nước luộc gà, vịt. Bà con người Tày, người Mông còn có món rêu rán nhắm rượu. Cho vào miệng, chiêu ít rượu, cảm nhận vị rêu tan chảy được coi là cách... thưởng thức rượu riêng. Mỗi khi có dịp lễ Tết, họ băm nhỏ rêu với thịt gà thịt vịt, cho vào chõ đồ lên như đồ xôi. Ăn béo ngậy, thơm dịu vị rêu suối.
Trên địa bàn Nà Hang, hiện đã xây dựng được 2 làng văn hoá du lịch cộng đồng là Làng văn hoá - du lịch Nà Tông, xã Thượng Lâm; Làng văn hoá - du lịch Khau Tràng, xã Hồng Thái. Kết hợp du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch văn hoá với văn hóa ẩm thực là bước đi của Nà Hang, nhằm trở thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn đối với du khách bốn phương.