Hành trang lữ khách

Thăm xứ Bạc Liêu

Cập nhật: 20/11/2009 14:07:12
Số lần đọc: 2766
Bạc Liêu là một vùng đất thuộc bán đảo Cà Mau, miền đất cực Nam của Tổ quốc -nơi xuất xứ của bài vọng cổ “Dạ cổ hoài lang” của Cao Văn Lầu làm say đắm lòng người Việt Nam  nói chung và người Nam Bộ nói riêng.

Bạc Liêu có chung địa giới nối tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang. Vốn là một địa phương giàu truyền thống văn nghệ, một trong những cái nôi của phong trào "Đờn ca tài tử", một loại hình diễn xướng dân gian trong các lễ hội, tiệc cưới hay chỉ đơn giản tụ tập nhau cùng đờn ca trong những đêm trăng sáng ở các xóm làng. Người Bạc Liêu có một tâm hồn đa cảm, giàu lòng yêu quê hương, đất nước. Bài "Dạ cổ hoài lang" của Cao Văn Lầu là một bài ca thấm đậm tình người, sống mãi trong lòng mọi người, nhất là những người con vùng sông nước đồng bằng Sông Cửu Long dù họ có đi khắp bốn phương trời.

Làng quê ở Bạc Liêu là hình ảnh những dòng kênh rạch chằng chịt chở nặng phù sa với ngút ngàn, bất tận cây dừa nước. Người dân Bạc Liêu chủ yếu sử dụng phương tiện giao thông đường thủy. Du khách có thể ngồi đò, xuồng, ca nô để vừa thưởng thức cái không khí mát mẻ của kênh rạch, vừa ngắm nhìn cảnh sắc trời nước bao la, vừa trò chuyện với những người dân quê mộc mạc, chân tình.

Bạc Liêu còn nổi tiếng với nghề làm muối. Những cánh đồng muối được chia thành từng ô, từng hàng chạy dài. Nghề muối ở Bạc Liêu đã có từ lâu đời, đây là nơi cung cấp một lượng muối khá lớn cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Muối Bạc Liêu nổi tiếng về chất lượng (muối ăn), được các gia đình ưa chuộng và đang có mặt ở thị trường Nhật Bản.

Bạc Liêu còn có nhiều làng nghề đan lát, đan lưới, làm nước mắm, nước tương. Về nơi đây, trên những con đường làng, dưới những rặng tre, tán cây xanh mát chúng ta dễ bắt gặp những nghệ nhân đang cần mẫn đan lát tạo ra nhiều sản phẩm đặc sắc. Ở các làng ven biển, nghề đan lưới cũng rất phổ biến bởi nghề này phục vụ cho nhu cầu đánh bắt hải sản của ngư dân. Lưới được làm thủ công khá công phu, các mắt lưới kết khít vào nhau, đều và chắc chắn. Vốn là vùng đất rừng hoang vu mới được khai phá từ đầu thế kỷ XIX nên phong cách ẩm thực Bạc Liêu cũng mang đậm nét hoang dã, đơn sơ, không nấu nướng cầu kỳ, không đòi hỏi nhiều gia vị thời công nghiệp, cách chế biến chủ yếu là… nướng, luộc. Nhiều món ăn địa phương nổi tiếng: lẩu mắm kho ăn với các loại rau đồng (rau mọc hoang ngoài ruộng như: bông súng, rau nhúc, rau dừa…), lẩu lươn chua, cá lóc nướng trui rơm, cá lóc kho tộ ăn với dưa bồn bồn, bún nước lèo cá lóc, bún bò cay, bánh xèo, cá rô chiên xù ăn với nước mắm gừng, khô cá khoai, khô cá sặc bổi trộn gỏi xoài xanh nước mắm đường, tôm khô ăn với dưa kiệu, gỏi ngó sen tôm luộc, canh chua bông so đũa nấu cơm mè. Đặc biệt các loại nghêu, sò, ốc, hến, sam,… vừa nhiều vừa rê. Ngon nhất là món sò huyết, cua gạch son luộc ăn với muối tiêu chanh, ốc lác luộc chấm cơm mẻ sả ớt hay nước mắm gừng, ốc len hầm sả, hầm dừa, rắn, rùa, cua đá, hàu tái chanh bồ tạt… Chính vì vậy mà ẩm thực Bạc Liêu có tính đặc thù riêng biệt không nơi nào có: dân dã, mộc mạc, nhưng đã ăn một lần thì không thể nào quên.

Tại Bạc Liêu có khu vườn nhãn cổ nổi tiếng nhất đồng bằng sông Cửu Long, và là điểm thu hút du khách đến tham quan. Vườn nhãn rộng khoảng 230 ha, chạy dài trên 11 km đi qua 2 xã Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông, thuộc thị xã Bạc Liêu. Theo lời kể của những người dân nơi đây, vườn nhãn Bạc Liêu đã được trồng trên trăm năm trước. Theo truyền thuyết, ông Trương Hưng là người đầu tiên mang 2 giống nhãn Su-bic và Tu-huýt từ nước ngoài về trồng trên đất giồng cát Bạc Liêu. Giống Su-bic cho trái to, vỏ mỏng, cơm dày, rất thơm và ngọt. Còn giống Tu-huýt trái nhỏ, hạt nhỏ, nhưng cơm dày, vị ngọt. Cả 2 giống nhãn đều thích nghi và phát triển rất tốt trên đất cát bồi ở đây, nhất là giống Su-bic được nhiều người ưa chuộng. Theo ước tính của những người trồng nhãn, trung bình 1 cây nhãn cổ có thể cho đến 300-400 kg/vụ. Những năm nhãn được giá từ 8.000-10.000 đồng/kg trở lên thì nhiều hộ trồng nhãn có mức thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm, thậm chí có hộ đạt đến cả trăm triệu đồng. Để khôi phục và giữ lại vườn nhãn cổ, thị xã Bạc Liêu đang phối hợp cùng ngành du lịch thành lập dự án chuyển khu vườn nhãn cổ sang làm du lịch sinh thái và du lịch văn hóa. Mấy năm gần đây, nhiều gia đình ở Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông đã tự thiết kế lại vườn nhãn cổ, mở điểm du lịch.

Về Bạc Liêu, chác chắn du khách sẽ quyến luyến với vùng đất tươi đẹp nhiều sản vật đặc trưng vùng sông nước phương Nam với những con người hiền lành, chất phác và mến khách.  

Nguồn: website báo ảnh Việt Nam

Cùng chuyên mục